Xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thực hiện đều phải cố gắng hơn

Từ Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đã nhận diện có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc sợ sai không dám làm, làm chưa hết chức năng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông tin về công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết từ Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đã nhận diện có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc sợ sai không dám làm, làm chưa hết chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về rà soát các văn bản pháp luật trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề: “Chúng ta đã nhận diện hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, làm không hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Đại biểu Quốc hội đặt ra lý do vì sao có tình trạng đó? Là do vướng mắc về pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện hay cả hai? Mức độ của nó đến đâu?”

Để giải đáp những vấn đề đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15 giao Chính phủ tổng rà soát hệ thống pháp luật (từ luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị định, thông tư), tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm.

Sau đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng. Để bảo đảm tính độc lập, hỗ trợ cho tổ công tác của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập tổ công tác.

[Chính phủ lấy ý kiến về dự thảo rà soát văn bản quy phạm pháp luật]

Kết quả rà soát đã được Chính phủ báo cáo đầy đủ tới các đại biểu Quốc hội, kèm theo đó là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Rà soát lần này tập trung vào 523 văn bản, trong đó có 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 167 nghị định của Chính phủ, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 217 thông tư.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả rà soát tuy độc lập nhưng hai bên đều đi đến nhận định chung là hệ thống pháp luật cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, kiến tạo phát triển đất nước ổn định và hội nhập quốc tế. Kết quả rà soát cũng cho thấy hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ hơn.

“Kết luận này rất quan trọng, đã giải đáp câu chuyện: có những ý kiến cho rằng do sợ sai, không làm được, vướng mắc cái này, cái kia mà đổ hết cho hệ thống pháp luật là không đúng,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm: “nhưng nếu nói tất cả do tổ chức thực hiện cũng không đúng. Có vướng mắc cả trong hệ thống pháp luật, có chồng chéo, có chưa hợp lý nhưng kết luận của cả Chính phủ và Quốc hội đều nói số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo là không nhiều.”

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều nội dung các địa phương, bộ, ngành đưa lên thực tế không phải là vướng mắc mà là chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc do cách hiểu ở dưới không đúng.

Có tình trạng hỏi nhưng không có trả lời, hoặc trả lời chung chung chứ không phải do nghị định, thông tư, cũng không phải do luật. Có nhiều văn bản ban hành không kịp thời, luật có rồi nhưng nghị định, thông tư chưa ban hành nên chưa thực hiện được.

Đó là chưa kể nghị định không phù hợp với luật, thông tư không phù hợp với nghị định. Có cả văn bản điều hành không đúng với tinh thần pháp luật.

Một kết luận nữa, theo Chủ tịch Quốc hội là "rất mừng" khi 70% số lượng văn bản phát hiện có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn cần phải sửa ngay đã nằm trong các dự án luật mà Quốc hội sắp sửa đổi, hoàn chỉnh và bấm nút thông qua.

Riêng Luật Đất đai có 34 việc, Luật Đấu giá tài sản có 24 việc, hay Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… đều sẽ được giải quyết tại Kỳ họp thứ 6 cũng như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024.

Chỉ có 30% số lượng các vấn đề phát hiện có bất cập, vướng mắc, chồng chéo chưa có trong Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được giao cho các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Chính phủ đề xuất có 1 Nghị quyết của Quốc hội cho phép có một số điều chỉnh có liên quan đến 5-6 luật, có tính chất thí điểm, để đẩy nhanh quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn đồng ý nhưng tiến độ không kịp, đã báo cáo Quốc hội, dự phòng đưa vào kỳ họp gần nhất.

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng thời nhấn mạnh “cả xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thực hiện phải cố gắng nhiều hơn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục