Xây dựng thành phố thông minh Bình Dương: Chiến lược đúng đắn

Với sự bùng nổ của khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh-thương mại mới, Bình Dương xác định tiếp tục đột phá, đưa đề án thành phố thông minh sang một nấc cao hơn là Vùng đổi mới sáng tạo.
Một góc Trung tâm Hành chính Tập trung tỉnh Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Bình Dương đặt mục tiêu chiến lược đến năm 2030, tỉnh cơ bản trở thành thành phố thông minh, cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương và là một trong các đô thị hiện đại, đáng sống, văn minh, nghĩa tình.

Cụ thể hóa mục tiêu và giải pháp

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết thời gian tới, việc xây dựng các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần cụ thể, gắn với quy hoạch, định hướng chung của tỉnh và quốc gia, nhằm tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 9-10%; cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp-xây dựng; dịch vụ; nông-lâm-thủy sản; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 62%; 30%; 2%; 6%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 393-419 triệu đồng, tương đương 15.000-16.000 USD; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 90%...

Đến năm 2025, Bình Dương vận động và tiến hành di dời 30-40% số lượng doanh nghiệp thuộc diện di dời theo Đề án di dời các doanh nghiệp sản xuất ở phía Nam lên các địa phương phía Bắc của tỉnh để tập trung sắp xếp quy hoạch chuyển đổi công năng sang phát triển dịch vụ, thương mại, tạo sự phát triển cân bằng bền vững.

Để thực hiện những mục tiêu trên, tỉnh đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển công nghiệp công nghệ cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lại và nâng cao giá trị ngành nông nghiệp; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

[Bình Dương liên tục lọt vào danh sách cộng đồng thông minh thế giới]

Về mục tiêu xây dựng thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC - nhận xét chiến lược xây dựng thành phố thông minh Bình Dương và vùng đổi mới sáng tạo đã có bước đi rõ ràng và có định hướng; chương trình hành động đang cụ thể hóa để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Tỉnh đang phối hợp các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ và giải pháp thực thi cụ thể mới chuyển hóa thành công mục tiêu trên.

Vừa qua, Tổng Công ty Becamex IDC đã ký kết hợp tác chiến lược với đối tác NTT DATA (thành viên của Tập đoàn NTT - một tập đoàn về công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu Nhật Bản) trong triển khai giải pháp ứng dụng thành phố thông minh và khu công nghiệp thông minh Bình Dương để phục vụ chủ đầu tư trong các khu công nghiệp chuyển đổi nhà máy sản xuất thông minh.

Việc ký kết này nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tại Bình Dương làm chủ công nghệ và giải pháp thành phố thông minh toàn diện, bền vững, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nâng cấp hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, nhà máy trở nên thông minh, hiện đại...

Đồng thời, Becamex IDC cũng đã ký kết một số đơn vị mạnh về công nghệ để chuyển đổi việc vận hành khu công nghiệp của Becamex IDC thành khu công nghiệp thông minh, hệ sinh thái công nghiệp xanh, bền vững.

Cụ thể, hệ thống khu công nghiệp của Becamex IDC sẽ được ứng dụng các giải pháp về nhà máy xử lý nước thải thông minh, camera an ninh thông minh, giao thông thông minh, đèn chiếu sáng thông minh và nhiều tiện ích khác. Tất cả sẽ được điểu khiển, giám sát và quan trắc tại Trung tâm Điều hành Thông minh đặt tại WTC Tower tại thành phố mới Bình Dương.

Chiến lược đúng đắn

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng chia sẻ từ nền tảng phát triển công nghiệp hóa sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã triển khai đề án thành phố thông minh nhằm đón làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đã gặt hái được nhiều thành công.

Tổng sản phẩm trên địa bàn Bình Dương năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997; trong đó nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần; đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần.

GRDP bình quân đầu người hiện nay lên tới 7.000 USD/người/năm.

Thành quả này là kết quả của việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, thông qua sự hợp tác đa quốc gia. Bình Dương đã chủ động kết nối, sáng tạo và xây dựng mô hình phát triển công nghiệp-đô thị-dịch vụ. Đây là mô hình phát triển toàn diện, xây dựng tổ hợp các khu công nghiệp, đan xen với hệ thống đô thị bao gồm đầy đủ các cấu phần về đô thị cao cấp, bình dân, nhà ở xã hội và khu tái định cư, không gian xanh, công viên… trên nền tảng là hệ thống giao thông bài bản.

Mô hình phát triển này là một lựa chọn đặc sắc của Bình Dương, đóng vai trò chiến lược, nhằm nâng cấp hệ thống quy hoạch đô thị và hệ thống công nghiệp của tỉnh, cải tạo đô thị hiện hữu, cải tạo toàn diện hệ thống giao thông.

Tỉnh biến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư trở thành đòn bẩy để củng cố, phát triển toàn diện về đô thị, kinh tế đô thị và đời sống văn hóa xã hội cho người dân, thay đổi cả bộ mặt của một vùng đất.

Theo ông Dũng, bước sang giai đoạn mới, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh-thương mại mới, Bình Dương xác định tiếp tục đột phá, đưa đề án thành phố thông minh sang một nấc thang phát triển cao hơn là Vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới đẩy mạnh đà phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và tìm kiếm động lực vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại trong Thành phố mới Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bình Dương tái định hình mô hình phát triển đã được xác định rõ trong phương hướng xây dựng bản Quy hoạch tích hợp của tỉnh giai đoạn tiếp theo, trong đó định hình các định hướng lớn như: dịch chuyển các doanh nghiệp công nghiệp thâm dụng lao động và đất đai ở phía Nam lên phía Bắc nhằm tạo dư địa cho việc tái thiết các đô thị cửa ngõ trở thành đô thị đáng sống với hệ thống đô thị, đi kèm với không gian xanh, thương mại dịch vụ chất lượng cao, biến khu vực phía nam trở thành những "thỏi nam châm" để thu hút nguồn nhân lực chất lượng về Bình Dương sinh sống.

Ông Nguyễn Văn Hùng trao đổi thêm Bình Dương đã thực hiện Đề án Thành phố Thông minh Bình Dương đầy tham vọng từ năm 2016 và luôn bám chặt định hướng về chuyển đổi kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa.

Được hỗ trợ và truyền cảm hứng từ Cộng đồng Thông minh ICF của năm (2011) - Brainport Eindhoven (Hà Lan), Bình Dương đã bắt đầu một chặng đường phát triển kinh tế-xã hội đầy ấn tượng, ứng dụng triệt để chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong những dự án cụ thể, nhằm xây dựng và phát triển Bình Dương ngày một thông minh hơn, tốt đẹp hơn và đáng sống hơn.

Một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo đang được phát triển mạnh mẽ tại Bình Dương, như Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex, Trung tâm Sản xuất Tiên tiến; Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC)... mang lại những hơi thở về cuộc sống thông minh cho cộng đồng Bình Dương.

Cùng với đó, Bình Dương cũng đã và đang thực hiện những chương trình phát triển chiến lược, đi đúng với mục tiêu phát triển bền vững hơn như hình thành Khu công nghiệp thế hệ thứ 3 (phát triển kinh tế xanh); thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất; phát triển công nghiệp 4.0…, tạo môi trường sống xanh-sạch hơn, từ đó tạo tiền đề cho việc thu hút doanh nghiệp công nghệ như Tập đoàn Lego đã đầu tư xây dựng nhà máy hơn 1,3 tỷ USD vào Khu công nghiệp VSIP3, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị sẵn sàng để lan tỏa mạnh mẽ mô hình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Năm 2023, cùng với sự chuyển mình không ngừng của thế giới, Bình Dương cũng đang trong quá trình xây dựng và phê duyệt chiến lược phát triển thành phố thông minh giai đoạn mới với những định hướng phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể mới của địa phương. Thời gian qua, Bình Dương đang có chiến lược đúng đắn và bước phát triển kiên định.

Minh chứng cho mục tiêu và cơ sở để trở thành thành phố thông minh, mới đây, ngày 21/6, Bình Dương tiếp tục được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF) vinh danh Top 7 Cộng đồng Thông minh Thế giới năm 2023 trong diễn đàn gồm hơn 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục