Điểm đến của khát vọng hòa bình (Bài 2)

Xây dựng thành phố hòa bình trên vùng “đất thiêng”

Những trang sử hào hùng trên mảnh đất Quảng Trị sẽ là động lực, bệ phóng để vùng đất lửa anh hùng cất cánh, góp phần phát triển kinh tế khu vực miền Trung và đất nước.
Thắp nến trong Đại lễ cầu siêu tri ân anh hùng liệt sỹ tại Quảng trường Giải phóng, thị xã Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Cùng với sự đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, việc xây dựng thành phố hòa bình ở Quảng Trị được kết nối với những di tích lịch sử huyền thoại.

Những trang sử hào hùng trên mảnh đất Quảng Trị sẽ là động lực, bệ phóng để vùng đất lửa anh hùng cất cánh, góp phần phát triển kinh tế khu vực miền Trung và đất nước.

Thành phố hòa bình

Tiến sỹ Nguyễn Ái Học, Viện trưởng Viện Phát triển Công nghệ và Văn hóa-Giáo dục, đã chia sẻ ước mơ xây dựng “thành phố hòa bình”và các yếu tố mang biểu tượng cho hòa bình. Mảnh đất thiêng Quảng Trị hội tụ đủ các điều kiện để trở thành điểm đến hòa bình của Việt Nam và thế giới.

Một "thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị" sẽ phát huy sức mạnh của những giá trị nhân văn cao cả. Đây là nơi hội tụ tâm linh, người Việt Nam biểu thị lòng hướng vọng, đền ơn, đáp nghĩa cho đồng bào, đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Nơi đây sẽ có không gian hương khói, tưởng nhớ trong hòa bình, nhân ái cho tất cả linh hồn những ai đã nằm lại ở mảnh đất Quảng Trị và đất nước.

Đây cũng sẽ là một địa chỉ thiêng liêng tưởng niệm nạn nhân chiến tranh, nơi hội tụ tinh thần hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc của người Việt Nam, kết nối quốc tế vì hòa bình. Thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị sẽ góp thêm một tiếng nói quan trọng trong việc đưa Việt Nam hội nhập vào mục đích vì hòa bình của nhân loại.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, cho biết với quốc tế và khu vực, Việt Nam và Quảng Trị đã và sẽ luôn là biểu tượng của khát vọng hòa bình, chính nghĩa, đoàn kết hữu nghị và phát triển bền vững. Mất mát đau thương luôn là điều nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ chung tay xây dựng và gìn giữ một nền hòa bình bền vững cho thế giới.

Ông Vinh cho rằng cần đẩy mạnh quảng bá Quảng Trị-Việt Nam với thông điệp "Khát vọng hòa bình-Không gian văn hóa vì hòa bình"; điểm đến vì hòa bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình.

Đồng thời, kết nối Quảng Trị-Đường Trường Sơn và các điểm đến lịch sử, văn hóa, du lịch, tâm linh phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phải gắn biểu tượng khát vọng hòa bình: “Quảng Trị-Việt Nam” như một thương hiệu quốc gia, từ đó nhân ra khu vực, quốc tế.

Tạo bệ phóng cho Quảng Trị cất cánh

Được mệnh danh là “bảo tàng sinh động” nhất về di tích lịch sử chiến tranh ở nước ta, Quảng Trị đang lưu giữ hơn 500 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng, trong đó có những địa danh nổi tiếng như: Đường 9, Khe Sanh, Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc, hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Đất mẹ Quảng Trị cũng đang “ôm trong mình” 72 nghĩa trang liệt sỹ - nơi yên nghỉ của khoảng 60.000 anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh xương máu để giành lại độc lập tự do cho đất nước, mãi là khúc tráng ca bất tử trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Những di tích lịch sử này đã tạo ra thương hiệu du lịch của Quảng Trị là “Ký ức chiến tranh-Khát vọng hòa bình," với các tour du lịch vùng phi quân sự (DMZ), du lịch tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa.

Thời gian qua, Quảng Trị có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển văn hóa, du lịch, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch tâm linh, tìm hiểu lịch sử để thêm trân trọng những giá trị của hòa bình tại Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng di sản cha ông để lại, chưa làm nên thương hiệu du lịch có tính độc đáo và khác biệt.

Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ hội Vì Hòa bình 2024. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Vì hòa bình năm 2024, cho biết Chính phủ đã đồng ý để Quảng Trị tổ chức lễ hội có ý nghĩa lớn lao, mang tầm quốc gia, quốc tế như Lễ hội Vì hòa bình năm 2024. Điều này góp phần khẳng định Quảng Trị hội đủ các điều kiện để trở thành điểm đến hòa bình của Việt Nam và thế giới.

Lễ hội diễn ra trên vùng đất Quảng Trị từng chịu nhiều đau thương, mất mát và là nơi “đất thiêng nở hoa hòa bình” đã truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hòa bình bền vững trên thế giới. Điều này góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam.

Lễ hội cũng sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh bởi đây không chỉ là sự kiện chính trị mà còn là sự kiện văn hóa, du lịch độc đáo.

“Địa phương kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới của Việt Nam, chỉ có riêng ở Quảng Trị, do Quảng Trị khởi xướng và mọi người cùng chung tay kiến tạo nên. Với lễ hội Vì hòa bình lần đầu tiên, Quảng Trị đang từng bước hình thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình; thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng các tour, tuyến, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh," ông Hoàng Nam nhấn mạnh.

Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức hai năm một lần ở tầm quốc gia và quốc tế sẽ là cơ hội lớn cho du lịch Quảng Trị phát triển. Du khách trong và ngoài nước sẽ có thêm nhiều lý do để đến với mảnh đất Quảng Trị đang hồi sinh sau chiến tranh.

Lễ hội đầu tiên vào năm 2024 đã đặt nền móng để xây dựng nên “thành phố hòa bình” ở Quảng Trị trong tương lai, tạo bệ phóng để nơi đây ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững./.

Bài 1: Quảng Trị: Từ đổ nát chiến tranh đến khát vọng hòa bình

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục