Sau hai ngày làm việc, ngày 29/11, tại Hà Nội, Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Với sự tham gia của hơn 900 đại biểu tại hai phiên họp toàn thể và tám hội thảo chuyên đề, hội nghị nghe các báo cáo về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong 10 năm qua và định hướng hợp tác trong thời gian tới, báo cáo về chính sách đối ngoại của Việt Nam, báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như đánh giá của Chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong 10 năm qua.
Tại lễ bế mạc, thành viên Ban điều hành của Trung tâm dữ liệu phi chính phủ nước ngoài, Trưởng đại diện Tổ chức ChildFund, bà Deborah Leaver đã đọc Tuyên bố chung Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó điểm lại những kết quả đã làm được trong 10 năm qua cũng như những định hướng hợp tác trong tương lai; khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong việc tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác bền vững trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới...
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Hà Kim Ngọc phát biểu bày tỏ sự cám ơn các vị đại biểu trong nước và quốc tế đã tích cực, nhiệt tình tham gia vào hội nghị và nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng và đánh giá cao sự hợp tác và giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với nhân dân Việt Nam trước đây, hiện nay cũng như trong thời gian tới.
Thứ trưởng tin tưởng rằng trên cơ sở của quan hệ hợp tác có hiệu quả, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, chân thành và cởi mở và với những kết quả tốt đẹp của hội nghị lần này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần tích cực hơn nữa và công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới như bản Tuyên bố chung đã nêu rõ.
Các đại biểu đánh giá cao những thành tựu của các chính sách và chương trình giảm nghèo và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam, đã giúp giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nhanh và bền vững đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là đối với các khu vực đặc biệt khó khăn ở Việt Nam trong thập kỷ qua.
Đặc biệt, các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị quốc tế lần thứ 2 năm 2003 đã được thực hiện thông qua sự đóng góp tích cực của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương trong việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, thiết lập cơ chế giám sát đánh giá nhằm tăng cường cam kết của Việt Nam đối với việc sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Với tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã xây dựng mối quan hệ đối tác hiệu quả, bình đẳng, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, chân thành và cởi mở.
Thông qua các hoạt động nhân đạo và phát triển, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các đối tác Việt Nam đã góp phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam thông qua việc giới thiệu các mô hình về giảm nghèo và phát triển bền vững, những phương pháp tiếp cận bền vững, có hiệu quả để góp phần xây dựng và thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ.
Các tổ chức cũng đã góp phần nâng cao năng lực cho đối tác phía Việt Nam, đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển và những người hưởng lợi; chuyển tải các thông tin, thông điệp của Việt Nam tới thế giới, góp phần vào tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó còn góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới vì hoà bình, đoàn kết và hữu nghị.
Hội nghị nhận thấy, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế-xã hội và đã trở thành một quốc gia thu nhập trung bình thấp song vẫn còn là một nước đang phát triển với nền kinh tế đang chuyển đổi, gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và thuộc vùng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, còn cần nhiều nỗ lực để đạt được phát triển toàn diện.
Do vậy, Việt Nam tiếp tục cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, để đương đầu với những thách thức trong công cuộc phát triển bền vững như giảm nghèo, giáo dục, y tế, phát triển xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, và bảo vệ môi trường.
Việt Nam cam kết, thông qua Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, với sự hợp tác của các bộ ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức nhân dân, các đối tác khác của Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cho việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tốt hơn các nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thực hiện những mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững; tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin; xây dựng các chương trình mục tiêu ưu tiên của từng lĩnh vực, địa bàn; tăng cường xây dựng năng lực cho các cơ quan đối tác.
Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cam kết, thông qua hợp tác với các cơ quan đối tác Việt Nam tiếp tục tìm kiếm, triển khai thác các nguồn tài trợ, kỹ thuật và các nguồn lực khác từ bên ngoài để hỗ trợ Việt Nam có hiệu quả hơn trong việc giảm nghèo và phát triển bền vững; xây dựng các chương trình, dự án phù hợp với định hướng ưu tiên của Việt Nam; nâng cao năng lực cho các cơ quan đối tác và người hưởng lợi dự án; nhân rộng và phát huy các chương trình, dự án điển hình, tiếp tục phát huy mô hình ba bên cơ quan nhà nước-tổ chức phi chính phủ nước ngoài/đối tác Việt Nam-người dân; tiếp tục chia sẻ thông tin về các mô hình, dự án hiệu quả, nhu cầu của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế; tăng cường chuyển tải thông tin một cách khách quan, công tâm về Việt Nam tới thế giới.
Phía Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ hợp tác bền vững trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước để chia sẻ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”./.