Các trường trung học phổ thông sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, sở giáo dục và đào tạo tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia dựa trên ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.
Đây là mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho Việt Nam do nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới”, thuộc Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục, đề xuất. Các kết quả nghiên cứu của nhóm được trình bày tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế và mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho Việt Nam. Hội thảo diễn ra sáng nay, ngày 23/4, tại Hà Nội.
Ba xu hướng quốc tế
Tiến sỹ Nguyễn Phương Nga, chủ nhiệm đề tài cho biết, nghiên cứu của nhóm cho thấy, đa số các quốc gia trên thế giới đều có kỳ thi đánh giá xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cụ thể, trên thế giới có ba xu hướng, phương thức đánh giá: không tổ chức thi, có tổ chức kỳ thi quốc gia, tổ chức thi nhưng do các tổ chức chuyên nghiệp làm.
Ở các nước có xu hướng không tổ chức kỳ thi quốc gia, ví dụ như Hàn Quốc, Tây Ban Nha, các trường trung học phổ thông tự tổ chức thi, đề thi do giáo viên các trường ra, hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Ưu điểm của phương thức này là không phải tổ chức kỳ thi cồng kềnh, giảm áp lực và giảm tốn kém. Nhược điểm là do các trường tự ra nên độ khó dễ khác nhau, khó đánh giá chất lượng giữa các trường với nhau. Vì thế, không có cơ sở dữ liệu chung quốc gia về trình độ đào tạo, nên khó cho việc tuyển sinh của các trường ở cấp cao hơn.
Xu hướng thứ hai là có tổ chức kỳ thi trung học phổ thông cấp quốc gia, do bộ phụ trách lĩnh vực giáo dục điều hành và ra đề thi, như ở Thái Lan, Hà Lan, Phần Lan, Liên Bang Nga, Việt Nam. Ưu điểm của xu hướng này là các quốc gia có cơ sở để đánh giá mặt bằng chung năng lực của học sinh, từ đó thuận lợi cho việc xây dựng chính sách phát triển giáo dục phù hợp. Nhược điểm là với Trung Quốc, Việt Nam, Liêng ban Nga, chỉ thi một lần một năm nên gây áp lực cho học sinh. Riêng Hà Lan, Phần Lan, kỳ thi được tổ chức hai lần mỗi năm.
Xu hướng thứ ba là tổ chức kỳ thi do các đơn vị tổ chức kiểm định độc lập thực hiện như Hoa Kỳ, Anh. Ưu điểm nổi trội của xu hướng này là đánh giá sát năng lực của thí sinh, do đề thi được chuẩn hóa. Kỳ thi được tổ chức chuyên nghiệp. Có thể tổ chức thi nhiều lần, học sinh không bị áp lực tâm lý cá nhân làm ảnh hưởng đến điểm thi, có thể thi lại. Nhược điểm của xu hướng này là phải đầu tư lớn về ngân hàng đề thi và mạng lưới tổ chức thi...
Mô hình mới cho Việt Nam
Theo tiến sỹ Nguyễn Phương Nga, với các nghiên cứu trên, nhóm đã xây dựng mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông mới theo xu hướng thứ ba, có điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế và định hướng giáo dục của Việt Nam.
Mô hình mới còn nhằm khắc phục các hạn chế khác của kỳ thi hiện hành như tạo áp lực lớn cho thí sinh và xã hội; huy động nhiều cơ quan công quyền vào cuộc, từ các trường phổ thông đến đại học, cơ quan công an, giao thông vận tải; chi phí công lớn, chi phí của phụ huynh lớn. Đặc biệt, kỳ thi chưa loại bỏ được tối đa yếu tố tác động can thiệp tiêu cực, làm sai lệch và ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả thi.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Đức Ngọc, thành viên chính nhóm nghiên cứu, mô hình mới cũng khắc phục bốn hạn chế khác của việc tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hiện nay: không góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông khi hơn 90% học sinh tốt nghiệp; phân quyền quản lý quá lớn cho địa phương nên không quản lý được; chưa áp dụng triệt để công nghệ hiện đại; áp lực kỳ thi cao do là kỳ thi hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Theo ông Ngọc, với yêu cầu trên, mô hình đánh giá của nhóm chia thành hai thành tố: đánh giá chất lượng theo cấp địa phương – cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và đánh giá chất lượng theo cấp quốc gia – cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
[Ông Phùng Xuân Nhạ: Sẽ buộc thôi học thí sinh có liên quan gian lận]
Tiến sỹ Nguyễn Phương Nga cho hay, ở thành tố xét hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông ở cấp địa phương, nhóm xây dựng hai phương án tổ chức.
Phương án một là hiệu trưởng các trường trung học phổ thông sẽ tổ chức thi tại trường cho các học sinh đã học xong chương trình giáo dục phổ thông, với đề thi do giáo viên trường tự ra, và trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.
Phương án hai là các trường trung học phổ thông tổ chức thi tại trường cho học sinh nhưng theo các đề do trung tâm khảo thí quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế. Thời điểm thi do trường bố trí phù hợp với khung thời gian của trường. Học sinh đạt điểm theo quy định sẽ được trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông.
Ở thành tố thứ hai là cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh đã có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông sẽ đăng ký tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Trung tâm khảo thí quốc gia sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa theo ma trận dựa trên các năng lực học sinh cần đạt được của các môn học và hình thành mạng lưới trên toàn quốc.
Kỳ thi này được tổ chức hai hoặc ba lần mỗi năm, do sở giáo dục và đào tạo tổ chức tại các trung tâm khảo thí đặt ở các địa phương. Thí sinh được lựa chọn thời điểm thi phù hợp với kế hoạch cá nhân.
Về thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đề xuất hai giai đoạn áp dụng mô hình mới. Theo đó, giai đoạn 2024-2025 sẽ thi trên giấy tại các trung trâm khảo thí chuyên nghiệp đặt tại các tỉnh, thành. Trong giai đoạn này sẽ thí điểm thi trên máy tính ở những nơi có điều kiện. Từ năm 2026 trở đi sẽ tổ chức thi đại trà trên cả nước theo mô hình mới trên máy tính.
“Mọi kỳ thi trên giấy, dù có chặt chẽ đến đâu, đều có thể bị can thiệp bởi con người, còn thi trên máy tính, với mỗi người một đề thi, thì không thể can thiệp. Khi đó sẽ rất nhàn cho xã hội, cho các cơ quan quản lý giáo dục, nhưng phải đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu này nếu là hợp lý nếu so với chi phí tổ chức kỳ thi mỗi năm như hiện nay,” bà Nga nói.
Bà Nga nhấn mạnh đây chỉ là nghiên cứu, xây dựng mô hình của nhóm nghiên cứu, đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia và các tổ chức, cá nhân, cơ quan liên quan./.