Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế về biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu này, một trong những biện pháp quan trọng là định giá carbon.
Thí điểm thị trường carbon
Theo Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Tuấn Quang, ở quy mô quốc tế, đến nay các vấn đề liên quan tới cách thức quản lý, giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon liên tục được cập nhật.
Với Việt Nam, việc hình thành thị trường carbon còn rất mới. Liên minh châu Âu (EU) thiết lập thị trường carbon nội địa tuân thủ đầu tiên trên thế giới từ năm 2005.
Trung Quốc mới thiết lập thị trường tuân thủ năm 2021 và đang là thị trường lớn nhất thế giới. Hiện đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon), giúp kiểm soát khoảng 11 tỷ tấn carbon, tương đương khoảng 20% phát thải toàn cầu.
Đây là xu thế tất yếu và Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho việc thiết lập thị trường carbon trong nước.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thị trường carbon Việt Nam bao gồm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Tương tự các thị trường tuân thủ nội địa trên thế giới, Chính phủ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp/cơ sở và cho phép mua, bán hạn ngạch theo nhu cầu.
Hàng hóa chính tham gia thị trường là “hạn ngạch phát thải khí nhà kính” do các doanh nghiệp/cơ sở được phân bổ hạn ngạch trao đổi với nhau.
Lộ trình phát triển thị trường carbon được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Tháng 6/2025, Việt Nam sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS).
Dự kiến trong giai đoạn thí điểm, chỉ có các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện được đưa vào thị trường carbon (khoảng 150 doanh nghiệp).
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức và quản lý các hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch. Vì vậy cần phải có phương án thiết kế và quản lý hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của Việt Nam.
Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.
Xây dựng phương án quản lý hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon
Trong giai đoạn từ nay đến tháng 6/2025 - trước thời điểm phân bổ hạn ngạch, Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Đây là hỗ trợ kỹ thuật do UNOPS tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP).
Hỗ trợ kỹ thuật này cung cấp tư vấn chuyên môn sâu từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, các khuyến nghị dựa trên bằng chứng rõ ràng giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra thiết kế phù hợp với thị trường trong nước, hài hòa với các quy định pháp luật hiện hành.
Từ đó, góp phần đẩy mạnh nỗ lực giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC), Trưởng nhóm chuyên gia chính sách khí hậu, hỗ trợ kỹ thuật sẽ phân tích khung pháp lý của Việt Nam và xem xét kinh nghiệm quốc tế để xác định các phương án thiết kế và quản lý đối với việc xây dựng Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tập trung vào các phương án khả thi cho vận hành thí điểm thị trường carbon giai đoạn 2025-2027.
Nhóm tư vấn sẽ đánh giá và mô hình hóa tác động của các phương án quản lý Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, bao gồm việc phân tích các tác động cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường của những phương án này, đặc biệt là tác động đối với các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng.
Đồng thời, đánh giá và mô hình hóa các tác động kinh tế-xã hội và môi trường của việc giao dịch tín chỉ carbon và các kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam ra quốc tế.
Trên cơ sở này, nhóm tư vấn cung cấp các khuyến nghị, nhằm xác định các phương án quản lý tối ưu đối với tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Thành viên nhóm tư vấn, Tiến sỹ Robert Ritz (Đại học Cambridge) cho rằng Việt Nam đang chuẩn bị triển khai thị trường carbon, các nhà quản lý cần cân nhắc đến việc giảm gánh nặng đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Với nhà sản xuất, khi hệ thống phân bổ hạn ngạch mới vận hành, cần có thời gian làm quen với hệ thống quản lý môi trường mới này, thúc đẩy giảm phát thải trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh công bằng.
Việc quy định hạn ngạch phát thải là yếu tố thúc đẩy định giá carbon, tuy nhiên nhà quản lý cần tính đến hỗ trợ chính sách nhằm hạn chế tăng giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng để bù đắp chi phí tăng thêm do giá carbon.
Về tín chỉ carbon, theo Tiến sỹ Robert Ritz, Điều 6 Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cung cấp cơ chế để các quốc gia tự nguyện tham gia vào việc trao đổi tín chỉ carbon.
Các công ty/chính phủ có thể đầu tư vào các dự án giảm nhẹ hoặc mua tín chỉ carbon từ các dự án giảm nhẹ. Qua đó chuyển giao tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực cho các quốc gia nơi dự án được thực hiện.
Tín chỉ carbon cũng sẽ được chuyển giao và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia/cơ chế quốc tế khác nhưng đây cũng là nguồn thu giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính trong nỗ lực giảm phát thải của quốc gia.
Nhấn mạnh những điểm chính cần lưu ý khi xác định phương án quản lý giao dịch tín chỉ carbon quốc tế, ông Frederic Ggnon-Lebrun, chuyên gia tư vấn cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc mức độ chắc chắn đạt được mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp quốc gia tự quyết định, mức độ thu hút đầu tư quốc tế và vai trò của các khoản thu theo Điều 6 Thỏa thuận Paris cho việc giảm nhẹ trong nước.
Cùng với minh bạch trong cơ chế quản lý, cần đơn giản hóa các quy tắc và yêu cầu để thuận tiện cho công tác quản lý và giúp các bên tham gia thị trường dễ dàng thiết lập mô hình tài chính./.
"Mở khóa" thị trường tín chỉ carbon cho Việt Nam
Việt Nam nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng, tái tạo rừng.