Các vấn đề về gìn giữ văn hóa truyền thống; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ hội nhập một lần nữa được các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đặt ra tại hội thảo “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sáng 3/6, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Mục đích xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhằm phát triển toàn diện con người, giữ gìn và phát huy giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đề ra việc xây dựng con người văn minh cũng có nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao mới của văn hóa. Đặc trưng nổi trội của người Hà Nội được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử đó là thanh lịch. Thanh lịch không chỉ là biểu hiện bên ngoài mà còn chứa đựng cái cốt lõi của bản sắc dân tộc.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã đánh giá thành công nổi bật và những hạn chế trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2015-2020; dự báo khó khăn, vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Thông qua đó, các đại biểu đã nêu quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng sâu rộng những phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô. Thành phố cũng cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân.
Cũng theo các đại biểu, xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là thời điểm Hà Nội đang tiếp thu giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đang cố gắng gạn đục khơi trong, kiên trì thu nạp, dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nền nếp ứng xử của người Kẻ Chợ xưa.
Tiến sỹ Bùi Văn Tuấn và giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cho rằng Hà Nội cần khảo sát kỹ lưỡng thực trạng văn hóa đô thị, văn hóa ứng xử của từng cư dân Hà Nội. Từ đó, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu giao tiếp, xu hướng thực hành ứng xử, lĩnh vực cần tập trung giải quyết, lĩnh vực có những tác động gián tiếp hoặc trực tiếp để định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa của người dân Thủ đô trong bối cảnh hiện nay.
Với vị thế của Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội, thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ, nhân dân Hà Nội coi trọng, đặt thành một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, đất nước, tiếp tục phát triển ở giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030./.