Xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số

Theo các chuyên gia, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Việt Nam cần xây dựng xã hội thích ứng già hóa dân số.
Xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số ảnh 1Các bác sỹ trẻ tham gia chương trình "Hành trình vì sức khỏe người cao tuổi năm 2014.” Ảnh minh họa. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% dân số (năm 1989) lên 10,5% (năm 2013).

Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn 6 năm so với dự báo.

Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Chỉ 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số. Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số, nghĩa là cứ 3 người trong độ tuổi lao động lại có 1 người cao tuổi.

Giải thích về sự chuyển dịch cơ cấu dân số này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết đây là một thành tựu do Việt Nam đã thực hiện thành công kế hoạch hóa gia đình.

Số trẻ em sinh ra giảm đi rất nhanh làm tỷ trọng người cao tuổi tăng lên. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tân cũng nhấn mạnh: Khi số người cao tuổi tăng lên, về phương diện kinh tế - xã hội có rất nhiều việc cần làm. Đầu tiên là phải đảm bảo an toàn, ổn định của các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm y tế... Với số lượng người hưởng thụ tăng lên như vậy, việc đảm bảo an toàn cho các quỹ này không phải là chuyện dễ. Nếu chúng ta không có giải pháp kỹ lưỡng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số diễn ra đồng thời với quá trình hạt nhân hóa gia đình. Do vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện rất cao, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Hơn nữa, có những người cao tuổi không thể tự chăm lo cho cuộc sống khi về già, đòi hỏi Việt Nam phải có cơ chế, mô hình phù hợp chăm sóc người cao tuổi. Đây cũng là một thách thức lớn.

Mặt khác, khi người cao tuổi tăng lên thì nhu cầu và mô hình bệnh tật cũng thay đổi do tỷ trọng những người cao tuổi có bệnh cao hơn so với trung niên và thanh niên. Ngoài ra, người cao tuổi thường gặp tình trạng mắc bệnh tật kép (một người cùng lúc mắc nhiều bệnh), đặc biệt là các bệnh mãn tính, đòi hỏi chữa trị lâu dài và theo dõi thường xuyên.

Theo Kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, chỉ có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị bệnh dẫn đến không điều trị. Đây là điều khiến cuộc sống của người cao tuổi gặp khó khăn nếu Việt Nam không có những chính sách để cải thiện tình trạng trên.

Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định để giải quyết những thách thức và tận dụng cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình, chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Cộng đồng cần tích cực khuyến khích, tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng đất nước phù hợp với điều kiện sức khỏe và kinh nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết Quốc hội và Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích xã hội hóa chăm sóc sức khỏe y tế. Khuôn khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn đã có, đã quan tâm đến người cao tuổi, nhưng thực tế triển khai có những điểm còn hạn chế, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng chưa nhiều.

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong đề án tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã đưa nội dung này vào, trong đó tích hợp mô hình bác sỹ gia đình để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và khuyến khích các mô hình khác nhau.

Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sóc ban đầu, tăng cường các hướng tiếp cận chăm sóc thân thiện chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch. Bộ Y tế cũng đặc biệt tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng chống bệnh ung thư.

Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng hiện vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đảm bảo việc chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi nước ta. Trong đó, các đơn vị chức năng cần phải xây dựng Luật về người cao tuổi ngày càng hoàn thiện hơn, có tính khả thi và phát huy tác dụng trong cuộc sống; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, chăm lo cuộc sống của người cao tuổi; có chính sách phù hợp để người cao tuổi khi hết tuổi lao động vẫn có điều kiện đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống.

Theo các chuyên gia về dân số, để giữ vững, ổn định quy mô dân số, thích ứng với già hóa dân số, cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.”

Các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp với các chuyển đổi về cơ cấu dân số nước ta, góp phần phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục