Xây dựng môi trường văn hóa: Tăng niềm tin của bạn đọc với báo chí

Những hiện tượng tiêu cực đang làm suy giảm lòng tin của bạn đọc đối với cơ quan báo chí và người làm báo. Do đó, việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí là rất cần thiết.
Sau những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí gần đây, văn hóa báo chí đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. (Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN)

Những năm qua, “con tàu” báo chí đôi lúc chạy lệch khỏi đường ray “chuẩn mực văn hóa.” Một số nhà báo, cơ quan báo chí có những hành vi, biểu hiện lệch chuẩn, chạy theo xu hướng thương mại hóa, biến tờ báo thành công cụ phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, xa rời nhiệm vụ chính trị và giá trị nhân văn...

Văn hóa báo chí đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết và việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí cần được thực hành “như thói quen rửa mặt mỗi ngày.”

Văn hóa soi đường

Chia sẻ quan điểm với phóng viên VietnamPlus, phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội hoàn toàn nhất trí rằng xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là một trong những trọng tâm chính trong việc xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam.

[Báo chí chính thống quyết không nhường trận địa cho thông tin xấu độc]

“Báo chí có chức năng thông tin, giám sát và phản biện xã hội nên vai trò làm gương của các cơ quan báo chí và các nhà báo cần phải được đề cao hơn so với các nhóm đối tượng khác. Chính vì thế, một môi trường văn hóa đề cao tính liêm chính, thượng tôn pháp luật, hướng thiện... sẽ tạo điều kiện hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp cho nhà báo,” ông Sơn bình luận.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là rất cần thiết. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng các bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức của người làm báo đã góp phần xây dựng văn hóa báo chí. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã dũng cảm đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, biểu dương cái mới tích cực, được đồng nghiệp và bạn đọc quý mến, kính trọng, truyền cảm hứng cho xã hội về hình ảnh tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thẳn chỉ ra rằng một số cơ quan báo chí có biểu hiện cửa quyền đối với người đọc, người dân, một số nhà báo chạy theo giá trị vật chất, lợi ích cá nhân, nhóm đã vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật...  

“Tất cả những điều đó đang làm suy giảm phần nào lòng tin của bạn đọc đối với cơ quan báo chí và người làm báo. Do đó, việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí là rất cần thiết thời điểm này,” ông nói.

Tiến sỹ Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đồng tình với quan điểm trên. Bà khẳng định: “Sẽ không có sản phẩm báo chí truyền thông đảm bảo tính chính xác, tính định hướng, tính giáo dục, tính nhân văn... nếu không có các cơ quan báo chí và nhà báo coi trọng giá trị văn hóa.”

Theo tiến sỹ Lê Thu Hà, văn hóa không chỉ tạo ra một môi trường lành mạnh trong mỗi cơ quan báo chí, mà còn góp phần soi đường, chỉ lối cho hoạt động báo chí. Văn hóa không dừng lại ở giá trị tinh thần mà còn chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, sức mạnh nguồn lực để các cơ quan báo chí, hệ thống báo chí phát triển bền vững.

“Dùng văn hóa chống lại cái vô văn hóa sẽ hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực về đạo đức báo chí, về pháp luật, qua đó giúp tăng cường niềm tin của công chúng đối với báo chí,” bà Hà nói.

Tránh việc ‘đánh trống bỏ dùi’

Khi phát động phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã yêu cầu phong trào thi đua phải được lan tỏa thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo; trong đó các cơ quan tổ chức phong trào phải hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào ở các cấp hội, cơ quan báo chí.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí ký giao ước thực hiện phong trào thi đua. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trước yêu cầu này, phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Hoài Sơn đưa ra 3 giải pháp để phong trào đi vào thực tế, tránh việc “đánh trống bỏ dùi,” “phát” mà không “động.”

Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần có nhận thức đúng đắn và đẩy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có đánh giá, kiểm tra, tổng kết đối với từng nhà báo và từng cơ quan.

Thứ hai, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm hay, thí dụ tốt cũng cần được tuyên dương và tuyên truyền một cách đa dạng, phong phú và hấp dẫn.

Cuối cùng, ông khẳng định rằng khi hoạt động này trở thành nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí và nhà báo, phong trào sẽ không chỉ là những hoạt động hình thức, thụ động mà sẽ là việc làm thực chất, là mong muốn của các cơ quan báo chí và nhà báo.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên VietnamPlus, tiến sỹ Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí nhấn mạnh: “Các cơ quan báo chí phải đảm bảo thu nhập cho những người làm báo để họ sống được với nghề, không bị dao động với những cám dỗ vật chất; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ và đạo đức báo chí cho các nhà báo; gia tăng cơ chế cho công chúng giám sát, đánh giá các cơ quan báo chí và các nhà báo.”

Thực tế đã có nhiều phong trào thi đua mang tính hô hào, hình thức. Để phong trào lần này hiệu quả, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân cho rằng cơ quan báo chí cần có sự giám sát của bạn đọc và người dân.

"Những năm 60-70 của thế kỷ trước, hầu như tờ báo nào cũng để dòng chữ 'Hoan nghênh bạn đọc phê bình báo' ở vị trí trang trọng nhất. Nay thì từ rất lâu chúng ta bỏ mất phương châm này," ông nói.

Thiếu tướng cho rằng nhân dân có thể gửi đơn thư phản ánh, ý kiến giám sát qua các cơ quan quản lý báo chí như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam... Từ đó, các cơ quan báo chí có thể lấy đó làm căn cứ để theo dõi phong trào thi đua.

Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn (thứ hai từ trái sang) và các cán bộ, phóng viên, biên tập viên thăm Bảo tàng Côn Đảo, một hoạt động 'về nguồn' của báo nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ kinh nghiệm từ đơn vị mình, ông Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng để trở thành cơ quan báo chí có văn hóa thì đơn vị phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn: Đoàn kết, tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; thượng tôn pháp luật; có môi trường công sở văn hóa; có thương hiệu, uy tín, tầm ảnh hưởng. Ngoài ra, mỗi cơ quan báo chí có thể xây dựng quy tắc văn hóa riêng cho mình dựa trên tôn chỉ, mục đích hoạt động của tờ báo.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người trong việc xây dựng môi trường văn hóa, bởi một nhà báo có văn hóa, có trình độ, có đạo đức, tận tụy, không ngừng học hỏi thì mới sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có tầm văn hóa. Các nhà báo ứng xử có văn hóa thì sẽ hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp trong cơ quan.

“Tại Báo điện tử VietnamPlus, chúng tôi thực hiện những chuyến ‘về nguồn’ hàng năm, tham quan các di tích lịch sử, tri ân những người có công với đất nước, trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếm thế. Đây là cơ hội quý giá để các phóng viên nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa, nhân văn, nghĩa tình; tăng cường nhận thức về hoạt động báo chí. Ngoài ra, hoạt động này cũng mang lại ‘sức mạnh mềm’ tăng cường sự đoàn kết trong tòa soạn,” nhà báo Trần Tiến Duẩn cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục