Triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng mạng lưới kết nối các Vườn di sản ASEAN của Việt Nam.
Qua đó, thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thập kỷ mới (2021-2030); chia sẻ quyền, lợi ích của các bên liên quan trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học theo định hướng phát triển bền vững.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Chương trình Vườn di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park) là một trong những sáng kiến hợp tác ASEAN về môi trường.
Sáng kiến này bắt đầu thực hiện trên cơ sở Tuyên bố về các Vườn di sản của Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN từ năm 2003 với mục tiêu bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực.
Ba mục tiêu chiến lược của Chương trình Vườn di sản ASEAN gồm: Xây dựng các thỏa thuận giữa các Vườn di sản ASEAN và các bên liên quan nhằm bảo tồn những khu vực được ưu tiên bảo vệ để giải quyết các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý Vườn di sản ASEAN nhằm thúc đẩy nhận thức về bảo tồn và tiếp cận cộng đồng thông qua xây dựng năng lực, kết nối mạng lưới khu vực và trao đổi kinh nghiệm, tham quan, học tập; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Để triển khai các mục tiêu này, các Vườn di sản ASEAN của Việt Nam xây dựng kế hoạch quản lý, phương án quản lý rừng bền vững; nâng cao năng lực của các ban quản lý, cán bộ và các bên liên quan khác; triển khai các công cụ và phương pháp giám sát, đánh giá tại các Vườn di sản; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương; xây dựng tài chính bền vững cho các Vườn di sản...
Theo ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên (Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường), hợp tác quản lý trong mạng lưới Vườn di sản ASEAN sẽ giúp tăng quyền tiếp cận tri thức truyền thống và khai thác bền vững của cộng đồng địa phương đối với tài nguyên thiên nhiên.
Cùng với đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương thông qua các chương trình phát triển sinh kế; thu hút các nguồn tài trợ cho Vườn di sản ASEAN; cải thiện năng lực quản trị Vườn di sản và phù hợp với các mục tiêu đề ra của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal.
Các Vườn di sản ASEAN được định nghĩa là “các khu bảo tồn có tầm quan trọng khu vực trong việc bảo tồn toàn bộ các hệ sinh thái đặc trưng của khu vực ASEAN.”
Các khu này được thiết lập nhằm nâng cao nhận thức, niềm tự hào, bảo tồn và thụ hưởng các di sản thiên nhiên phong phú của ASEAN thông qua mạng lưới các khu bảo tồn của khu vực, tạo ra sự hợp tác giữa các nước ASEAN trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên chung.
Các Vườn di sản ASEAN góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn nguồn gen, đảm bảo sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.
Là quốc gia có số lượng Vườn di sản ASEAN được công nhận nhiều nhất Đông Nam Á, đến nay, Việt Nam có 12 khu vực được công nhận là Vườn di sản ASEAN, gồm: Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai, Lai Châu), Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Khu bảo tồn Ngọc Linh (Kon Tum), Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh), Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế).
Việc trở thành quốc gia có nhiều Vườn di sản ASEAN nhất khu vực thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 3 Vườn di sản ASEAN. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế sẽ tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ tham gia Vườn di sản ASEAN; hướng dẫn kỹ thuật về quản lý bảo vệ môi trường, thiên nhiên.
Cùng với đó, Bộ sẽ ban hành thông tư về quy trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học; thông tư hướng dẫn quy định kỹ thuật để các địa phương, vườn quốc gia triển khai.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập mạng lưới Vườn di sản ASEAN Việt Nam, xây dựng quy chế hợp tác để trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia, đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn./.