Xây dựng mã số vùng - "Giấy thông hành" cho sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu

Các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên việc cấp mã số vùng trồng, nuôi là một trong những điều kiện để sản phẩm nông-thủy sản xuất khẩu thuận lợi.

100% các công ty, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm siêu thâm canh; thâm canh; bán thâm canh và 100% các Hợp tác xã, Tổ hợp tác nuôi của Bạc Liêu đều được cấp mã số cơ sở nuôi. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)
100% các công ty, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm siêu thâm canh; thâm canh; bán thâm canh và 100% các Hợp tác xã, Tổ hợp tác nuôi của Bạc Liêu đều được cấp mã số cơ sở nuôi. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn nông, thủy sản. Đây được xem là giấy thông hành, mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước.

Nhìn nhận tầm quan trọng cũng như lợi ích lâu dài của việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng trồng, vùng nuôi để chấp cánh cho sản phẩm nông-thủy sản vươn xa.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết để việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó chú trọng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn tập huấn cho cán bộ ở các xã, phường, thị trấn và người dân ở các vùng trồng lúa, nuôi tôm, cơ sở chế biến và xuất khẩu về các quy định và yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi không chỉ hướng đến thị trường xuất khẩu mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, tính minh bạch của nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường thẩm định, cấp các mã số vùng trồng, vùng nuôi, mã số cho cơ sở chế biến an toàn. Cùng với đó, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nuôi trồng làm nền tảng để các sản phẩm nông-thủy sản, nhất là con tôm, hạt gạo tiếp cận và đứng vững tại các thị trường khó tính, mang lại giá trị, thu nhập cao.

ttxvn-hoa mau.jpg
Thông qua việc cấp mã số vùng trồng, sản phẩm rau màu có điều kiện tiếp cận, mở rộng thị trường. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối tháng 9/2024, ngành đã cấp mới 12 mã số vùng trồng lúa cho 3 hợp tác xã với diện tích hơn 1.167 ha, nâng tổng số toàn tỉnh lên 65 mã số vùng trồng với diện tích gần 5.589 ha; trong đó, cấp 56 mã số vùng trồng nội địa với diện tích 5.338 ha và cấp 8 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 252 ha.

Cùng với cấp mã số vùng trồng cho cây lúa, ngành nông nghiệp cũng quan tâm cấp mã số vùng trồng cho rau màu và cây ăn trái; trong đó, cấp mã số vùng trồng cho cây nhãn với 56,8 ha ở xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu).

Đối với rau màu, ngành nông nghiệp cũng đã cấp mã số vùng trồng cho hơn 60 ha. Theo đó, cấp mã số vùng trồng cho rau cần nước với diện tích gần 11 ha tại ấp Vĩnh Đông, (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long); hẹ lá 4 ha tại ấp Quốc Kỷ, (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi); ngô 14,56 ha tại ấp Mỹ 1, (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) và rau sạch 30,8 ha cho hợp tác xã Đoàn Kết (ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu).

Ông Tô Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã rau sạch Đoàn Kết (xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu), cho biết hợp tác xã hiện có mã vùng trồng cho 4 loại rau gồm cải xanh, cải ngọt, cải rổ và hẹ. Ngoài ra, hợp tác xã còn sản xuất thêm một số loại rau khác với tổng diện tích hơn 30 ha.

Ông Tô Thanh Sơn chia sẻ thông qua việc cấp mã số vùng trồng đã giúp cho các sản phẩm rau màu của hợp tác xã có điều kiện tiếp cận, mở rộng thị trường, nhờ vậy việc tiêu thụ rau màu cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng mã vùng trồng còn giúp xã viên thay đổi dần tập quán canh tác, sử dụng các loại phân, thuốc theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Các sản phẩm rau màu làm ra cũng vì vậy đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Cùng với cấp mã số vùng trồng, việc cấp mã số vùng nuôi cũng được ngành nông nghiệp Bạc Liêu quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, trong đó đối tượng nuôi chủ lực là con tôm. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã cấp xác nhận cho gần 20.000 cơ sở, đạt 40% tổng số cơ sở nuôi tôm toàn tỉnh, với diện tích 40.000 ha. Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước sau Kiên Giang có số lượng cơ sở nuôi tôm được cấp giấy xác nhận đối tượng nuôi chủ lực. Đáng chú ý là 100% các công ty, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm siêu thâm canh; thâm canh; bán thâm canh và 100% các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi đều được cấp mã số cơ sở nuôi.

ttxvn-nuoi tom2.jpg
Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước, sau Kiên Giang, có số lượng cơ sở nuôi tôm được cấp mã số vùng nuôi. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Theo ông Đặng Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình), yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, việc đăng ký để được cấp mã số cơ sở nuôi là rất cần thiết nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần tăng giá trị mặt hàng tôm khi xuất khẩu sang thị trường khó tính trên thế giới, làm được điều này cũng chính là góp phần tăng thu nhập, lợi nhuận cho người nuôi tôm. Nhận thức tầm quan trọng như vậy, không chỉ hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 mà các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm hơn đến việc xin cấp mã số vùng nuôi.

Còn ông Trần Văn Diệu, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Thái Minh Long (phường 1, thị xã Giá Rai), cho biết Công ty đã thực hiện chuỗi liên kết với các hợp tác xã và hộ dân với diện tích trên 200 ha nuôi tôm công nghệ cao, mỗi năm bao tiêu khoảng 2.000 tấn tôm. Những hợp tác xã, hộ nuôi tôm liên kết chuỗi với công ty đều được cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi. Thông qua việc cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, độ an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại các thị trường tiêu thụ khó tính.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 135.000 ha nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm). Tỉnh đang phấn đấu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước nên việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi được xem là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tôm của tỉnh nói riêng, ngành tôm Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Bởi yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, việc cấp mã số cơ sở nuôi là một trong những điều kiện để con tôm xuất khẩu thuận lợi.

Bên cạnh đó, việc cấp mã vùng nuôi trồng còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục