Bạo lực học đường là một vấn đề phức tạp, gây nhức nhối trong xã hội. Đôi khi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em học sinh mâu thuẫn, ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội. Dư luận từng nhiều lần dậy sóng trước những vụ việc học sinh nữ đánh nhau, để lại hậu quả nghiêm trọng.
“Dư chấn” của những vụ việc này ngày càng vượt xa khỏi phạm vi trường học bởi những cá nhân liên quan quay clip, tung lên mạng xã hội hoặc tiếp tục “khẩu chiến” trên Facebook. Trước thực trạng này, các chuyên gia văn hóa đặt câu hỏi làm sao có thể xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong môi trường học đường?
Hồi chuông về đạo đức học sinh
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều trích dẫn câu nói "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" như để khẳng định sự nghịch ngợm của học trò như một đặc tính của lứa tuổi này ở bất cứ quốc gia nào và nền văn hóa nào.
Ông cho rằng ai đã trải qua tuổi học trò hầu như đều tham dự hoặc chứng kiến ít nhất một cuộc ẩu đả. Thời đi học, ông cũng là một học sinh nghịch ngợm và hay đánh nhau. Nhưng hồi đó không có khái niệm "bạo lực học đường."
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông cho rằng lúc đó cả xã hội sống khá thuần khiết và vì thế những cuộc đánh nhau của học trò được quy vào bản tính hiếu động và nghịch ngợm của lứa tuổi.
“Ngày nay, thuật ngữ ‘bạo lực học đường’ đã xuất hiện và nó chỉ tính chất phi đạo đức đầy báo động. Thuật ngữ này trở thành những hồi chuông cấp bách về đạo đức học sinh. Bởi tính chất của những hành động bạo lực ấy không phải là bản tính trẻ con nữa mà nhuộm màu phi nhân đạo và sự độc ác, thậm chí đã có những vụ án mạng học đường,” ông trăn trở.
[Bộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý vụ bạo lực học đường ở trường quốc tế ISHCMC-AA]
Nhà thơ cho rằng đây chính là điều chúng ta phải nhìn nhận một cách vô cùng nghiêm túc để dự báo về vấn đề đạo đức của những thế hệ công dân tương lai.
“Chúng ta phải phân biệt giữa đặc tính hiếu động của lứa tuổi và hành vi bạo lực. Hành động va chạm của lứa tuổi học sinh tiểu học hoàn toàn khác với những hành động tương tự của học sinh trung học. Khi phân biệt được thì việc nhìn nhận của chúng ta sẽ đúng và cách xử lý mới đúng,” ông nói.
Ở thời trước, nếu học sinh có những vấn đề như vậy thì giáo viên và phụ huynh là những người chủ động khuyên bảo và hoà giải. Ngày nay, cách giải quyết của không ít phụ huynh khi con cháu mình gặp vấn đề lại cũng mang tính bạo lực như doạ dẫm và thậm chí trừng trị đối phương để bênh con cháu mình. Nhà thơ nhận định rằng đó là một sai lầm rất lớn.
Phó giáo sư, tiến sỹ Ngô Văn Giá, Nguyên trưởng Khoa Viết văn-Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng những va chạm, xích mích ở lứa tuổi học sinh là bình thường. Mâu thuẫn xuất hiện và ngày càng bị đẩy lên cao là do trẻ em và người lớn, bao gồm phụ huynh và giáo viên ngày nay thiếu sự vun đắp cảm xúc cho tâm hồn, dễ nảy sinh ý nghĩ bạo lực.
Rèn cách nghĩ nhân văn
Ông Ngô Văn Giá vừa “ngồi ghế” Hội đồng giám khảo Giải thưởng Dế mèn của báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam). Trong số các tác phẩm đoạt giải có cuốn truyện “Emma thảm họa” khiến ông rất ấn tượng.
Trong truyện có chi tiết hai học sinh va vào nhau trên sân trường, bị thương khá nặng, phải nhập viện. Một tình huống như thế vẫn xảy ra trong cuộc sống và sẽ được giải quyết ở mức độ người lớn với nhau như thăm hỏi, động viên, phân định lỗi tại ai, rồi bồi thường…
Trong “Emma thảm họa,” tác giả Quyên Gavoye còn đề cập đến một việc rất quan trọng cần phải giải quyết, đó là chữa lành những chấn thương tâm lý cho hai nạn nhân và cho cả những học sinh khác vô tình phải chứng kiến cảnh tai nạn ghê rợn ấy.
“Đó là những điều mà chúng ta vẫn thường xem nhẹ hay bỏ qua. Tôi cho rằng để xây dựng một nếp sống văn hóa trong nhà trường thì chúng ta phải tập trung vào chiều sâu, phải đi vào những điều nhỏ nhất như trong câu chuyện trên,” ông nói.
Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá cho rằng khi học sinh được giáo dục từ nhỏ rằng cần phải biết rưng rưng xúc động trước những gì nhỏ nhất, phải biết quan tâm đến những người xung quanh từ những điều nhỏ nhất thì dần dần các em sẽ rèn luyện được nếp sống, nếp nghĩ nhân văn.
“Tôi còn nhớ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng đến giao lưu với sinh viên của tôi. Ông kể lại kỷ niệm khi đi thăm một trường tiểu học ở nước ngoài. Khi các em học sinh phát hiện một chú chim nhỏ bị chết sau cơn bão tuyết, các em đã bày tỏ sự thương tiếc và thực hiện một nghi thức tiễn đưa chú chim đó,” nhà phê bình Ngô Văn Giá kể.
Nói về giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa trong học đường, ông cho rằng đó là câu chuyện dài, cần sự phối hợp của nhiều phía, song có thể bắt đầu ngay bằng việc tổ chức cho các em cùng thực hiện những dự án sáng tạo để rèn kỹ năng làm việc nhóm và quan trọng nhất là tạo thói quen cho trẻ hợp tác, gần gũi với nhau, từ đó sẽ yêu thương, trân quý lẫn nhau.
Cần đưa vào giảng dạy
Dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng giải pháp cấp thiết là các trường cần đưa vào chương trình huấn luyện kỹ năng giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực.
“Một ngôi trường hạnh phúc có hay không phụ thuộc vào triết lý và văn hóa của nhà trường. Mỗi giáo viên là một tấm gương nhân cách tích cực; giáo viên và cha mẹ thống nhất sử dụng kỷ luật tích cực; nhà trường có quy tắc ứng xử phi bạo lực được áp dụng nhất quán với giáo viên, nhân viên và học sinh; ngoài ra cần triển khai các mô hình hỗ trợ hòa giải ngang hàng, phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giải quyết vấn đề,” ông nói.
Ngoài ra, ông cho rằng phụ huynh không nên “khoán” quá nhiều trách nhiệm cho thầy cô bởi trên thực tế, rất nhiều hành động bạo lực của trẻ ở trường là một cách "giận cá chém thớt,” di chuyển những xúc cảm tiêu cực mà trẻ phải chịu đựng từ gia đình sang các bạn khác ở trường, chẳng hạn như trẻ phải chịu những hình phạt hà khắc từ cha mẹ, hay trẻ bị ảnh hưởng từ những hành vi xấu của cha mẹ…
“Phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, trao đổi thẳng thắn với giáo viên, nhà trường để tìm hiểu và giải quyết sự việc một cách hợp lý nhất. Khi va chạm xảy ra, phụ huynh quay video và tung lên mạng xã hội, làm lộ danh tính và thông tin cá nhân của trẻ thì đó là một cách hành xử thiếu nhân văn,” ông Trần Thành Nam chia sẻ.
Ông cho rằng mỗi người lớn nên xác định là tất cả những việc mà mình làm chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ, không phải chỉ của con mình mà cả những trẻ khác nữa. Có như vậy thì môi trường học đường mới thực sự văn minh và lành mạnh./.