Xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc

Ngày 1/10, tỉnh Lào Cai kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, sau 25 năm xây dựng và phát triển, Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trở thành đầu tàu kinh tế của cả vùng Tây Bắc.
Xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc ảnh 1Cáp treo Fansipan Sapa tạo động lực phát triển cho ngành du lịch Lào Cai. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 1/10, tỉnh Lào Cai kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh (1/10/1991-1/10/2016). Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trở thành đầu tàu kinh tế của cả vùng Tây Bắc.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai.


- Xin ông cho biết những thành tựu quan trọng tỉnh Lào Cai đã đạt trong 25 năm qua?

Ông Nguyễn Văn Vịnh: 25 năm xây dựng và phát triển Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo của cả nước với nhiều khó khăn, Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, giai đoạn 2011-2015 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 14,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp là chính sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ-du lịch.

Đến năm 2015, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 15,7%; công nghiệp và xây dựng là 43,1% và dịch vụ là 41,2%.

Lào Cai đã sớm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế công nghiệp bình quân đạt 18,8%/năm. Dịch vụ thương mại phát triển nhanh, bước đầu phát huy được thế mạnh của Khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch Sa Pa.

Kinh tế dịch vụ trở thành ngành kinh tế động lực, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,4%/năm. Sản lượng lương thực tăng liên tục, bảo đảm được an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,0%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tương đối đồng bộ, đã xây dựng được một số công trình hiện đại, có ý nghĩa lịch sử.

Giáo dục-đào tạo của tỉnh cũng có bước phát triển tích cực. Tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học-chống mù chữ, trung học cơ sở và mầm non 5 tuổi trước thời hạn; chất lượng nguồn nhân lực bước đầu đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Văn hóa của 25 dân tộc trên địa bàn được bảo tồn và phát triển, góp phần đẩy lùi lạc hậu, tăng thêm nguồn lực nội sinh, góp phần phát triển du lịch và đời sống ở khu dân cư.

Trong những năm qua, việc mở rộng giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế cũng phát triển có tính bền vững. Tốc độ giảm nghèo cao, thu nhập và mức sống người dân được nâng lên, chính sách dân tộc được quan tâm sâu sát.

Quốc phòng được củng cố, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng, đi vào chiều sâu và đặc biệt là c ông tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới.

- 25 năm xây dựng và phát triển những kinh nghiệm đúc kết qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Vịnh: Để có được kết quả trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ luôn đoàn kết, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, có quan điểm chỉ đạo đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế từng giai đoạn.

Sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp năng động, sáng tạo, quyết liệt, tập trung hướng mạnh về cơ sở, chủ động có những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở và doanh nghiệp. Làm tốt công tác dự đoán, dự báo, xác định đúng, trúng các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Việc xây dựng các chương trình công tác trọng tâm, các đề án và nghị quyết chuyên đề cụ thể, khoa học gắn với kế hoạch phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn. Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực dồn sức triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn.

Đây là những yếu tố quan trọng đã tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các nhiệm kỳ đã đề ra.

- Ông cho biết cụ thể hơn về những đổi mới trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh?


Ông Nguyễn Văn Vịnh:
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã khẳng định được sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên về thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và công tác xây dựng Đảng.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, đạt kết quả bước đầu quan trọng với nhiều cách làm mới, sáng tạo, trở thành việc làm thường xuyên, sâu rộng trong Đảng bộ và toàn xã hội.

Công tác xây dựng tổ chức đảng được chú trọng, công tác cán bộ có nhiều đổi mới. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Hệ thống tổ chức đảng các cấp được sắp xếp phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động; chú trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Qua kiểm tra, giám sát, đã kịp thời phát hiện những sai phạm, giúp tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát phát huy ưu điểm, có biện pháp khắc phục khuyết điểm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Công tác vận động quần chúng cũng được đẩy mạnh, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân ngày càng được tăng cường. Nội dung, phương thức đã có nhiều đổi mới theo hướng bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng; đồng thời, phát huy vai trò của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và quyền làm chủ của nhân dân. Tích cực chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo,” phát huy quyền làm chủ và vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội đối với hoạt động của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.

Đặc biệt, Lào Cai đã thực hiện thí điểm mô hình “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn” và “Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố,” thể hiện sự sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV. Quyết tâm chính trị cao độ của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn chính là nền tảng vững chắc để tin tưởng rằng đến năm 2020, Lào Cai sẽ trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.


- Trân trọng cám ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục