Để đảm bảo điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội với tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2025 phấn đấu đạt trên mức 8% so với năm 2025, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia theo 3 kịch bản điện sản xuất và nhập khẩu, trong đó, kịch bản dự phòng cho trường hợp phụ tải tăng trưởng cực đoan lên tới 14,3%, trong đó mức tăng trưởng các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6/2025 đạt trung bình 16%.
Đây là kịch bản tăng trưởng phụ tải điện cao nhất từ trước đến nay được tính đến, nhằm chủ động đáp ứng điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.”
Bám sát tăng trưởng GDP
Theo Quyết định phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành Hệ thống điện quốc gia năm 2025 của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng điện bình quân năm 2025 dự kiến vào khoảng 12,2%. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) đã cập nhật kế hoạch vận hành Hệ thống điện quốc gia năm 2025 có xét đến năm 2026 (với kịch bản tăng trưởng GDP phấn đấu ở mức “hai con số”).
Cụ thể, với kịch bản 1 (thấp nhất), sản lượng điện ước đạt khoảng 344,7 tỷ kWh, tương ứng tăng trưởng 11,3% so với năm 2024 (trong đó, mức tăng trưởng các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 đạt trung bình 13%). Kịch bản 2, sản lượng điện đạt khoảng 351 tỷ kWh, tương ứng tăng trưởng 13,3% so với năm 2024 (trong đó, mức tăng trưởng các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 đạt trung bình 14,3%).
Đối với kịch bản 3 (cao nhất), dự phòng cho trường hợp phụ tải tăng trưởng cực đoan, sản lượng điện lên tới 354 tỷ kWh, tương ứng tăng trưởng 14,3% so với năm 2024 (trong đó, mức tăng trưởng các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 đạt trung bình 16%).
Chuẩn bị các phương án đảm bảo vận hành, cung ứng điện cho Thủ đô năm 2025
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Hà Nội đã xây dựng 2 trường hợp dự báo tăng trưởng công suất cực đại (Pmax) toàn thành phố gồm tăng trưởng cơ sở là 8% và tăng trưởng phụ tải cực đoan nhất 12%.
Nhằm cung ứng điện, ông Nguyễn Đức Ninh, quyền Tổng Giám đốc NSMO thông tin, tính đến cuối năm 2024, tổng sản lượng tại các hồ tích được trong hệ thống đạt 14,6 tỷ kWh, cao hơn cùng thời điểm năm 2023 là hơn 200 triệu kWh. Tất cả các hồ thủy điện lớn đa mục tiêu trong hệ thống đã đảm bảo kế hoạch tích nước góp phần đảm bảo công tác vận hành hệ thống điện cho giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2025.
Mặc dù vậy, để vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, thị trường điện minh bạch và tối ưu toàn hệ thống, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên liên quan, vì vậy, về phía NSMO, ông Ninh đề nghị Bộ Công Thương xem xét báo cáo đề xuất với Chính phủ có các chỉ thị, chủ trương tương tự như 2024 để có cơ sở vận hành linh hoạt các nguồn thủy điện trong năm 2025.
Bên cạnh đó, đại diện NSMO cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan trong công tác chuẩn bị và đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt liên quan đến vấn đề nhiên liệu LNG và các cơ chế vận hành các nhà máy sử dụng LNG, sử dụng khí trộn trong và ngoài thị trường điện, đồng thời chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan đảm bảo vận hành lưới điện, trong đó có lưới điện 500kV, chuẩn bị các phương án sẵn sàng thực hiện công tác điều chỉnh phụ tải điện trong các ngày cực đoan cao điểm mùa khô diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6/2025.
Báo cáo của Tổng Công ty Phát điện 3 cho thấy năm 2024 sản lượng điện sản xuất của toàn Tổng công ty đạt 26,437 tỷ kWh, đạt 91,95% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, đạt 113,92% kế hoạch của EVN/Bộ Công Thương.
Các nhà máy cơ bản vận hành ổn định, đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống điện, nhất là trong các tháng cao điểm mùa khô 2024, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội. Để sẵn sàng cung ứng điện cho năm 2025, EVNGENCO3 đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất là 30,9 tỷ kWh.
Bảo đảm nguồn nhiên liệu cho phát điện
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2025, EVN phấn đấu hoàn thành phát điện dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng vào quý 4/2025; khởi công các dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái; phấn đấu hòa lưới tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I. Ngoài ra, EVN sẽ khởi công 208 dự án lưới điện từ 110-500kV, đóng điện 281 dự án lưới điện từ 110-500kV.
Trong khi đó, vào cao điểm mùa khô năm nay miền Bắc dự kiến có thêm khoảng 3.000MW từ tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, song do vẫn chưa có nguồn điện lớn nào được đưa vào vận hành ở khu vực này, nên việc tăng cường đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án truyền tải điện 500kV để giải tỏa nguồn điện từ lưới 500kV mạch 3 và khai thác các nhà máy thủy điện nhỏ cũng như nhập khẩu điện ở khu vực phía Bắc là rất cần thiết.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sắp tới EVN dự kiến có 2 công trình điện mới. Đại diện EVN cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa vào diện chỉ đạo đặc biệt tương tự như đường dây 500kV mạch 3 bao gồm đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên (gồm Dz 500kV Nho Quan-Phủ Lý-Thường Tín) là những đường dây 500kV rất huyết mạch cần phải kết thúc trong năm 2025... Đây là điều kiện rất quan trọng nhằm khắc phục khó khăn của tình hình cung ứng điện trong những năm tới và giải quyết một cách tương đối bền vững cho bài toán cân bằng năng lượng và vận hành hệ thống điện.
Trong trước mắt, cùng với đảm bảo tích nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện là việc đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho các nhà máy nhiệt điện.
Tại chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 yêu cầu "tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu đối với các nhà máy nhiệt điện."
Triển khai nhiệm vụ này, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dựa vào kế hoạch cung ứng điện theo 3 kịch bản đưa ra, Vụ dầu khí than (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, nhất là Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Cục An toàn môi trường công nghiệp cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành có liên quan để xây dựng kế hoạch biểu đồ cung cấp than, khí và vận hành hồ chứa, bảo đảm nguồn cung đầu vào cho nhiên liệu và các điều kiện để cung ứng điện cho năm 2025.
Theo tính toán, để tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030 phấn đấu ở mức 2 con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16%, đây là thách thức rất lớn nếu không kịp thời có giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn điện, nhất là các nguồn điện nền, điện xanh, điện sạch, bền vững sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn cung điện nghiêm trọng, nhất là trong thời gian từ năm 2026 đến năm 2028.
Vì vậy, cùng với đẩy nhanh tiến độ các nguồn điện, lưới điện, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08//6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; hướng dẫn, khuyến khích sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất./.