Xây dựng khung chính sách về dân số, bảo đảm mức sinh thay thế phù hợp

Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội.
Bác sỹ khám, theo dõi sức khoẻ cho trẻ tại Trạm Y tế xã. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới là mức sinh chưa bền vững và xu hướng giảm. Từ năm 2021 đến năm 2023, mức sinh giảm từ 2,11 xuống 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.

Xu hướng mức sinh giảm tập trung tại các đô thị và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi kinh tế phát triển hoặc đô thị hóa cao. Ngược lại, mức sinh còn cao tại các khu vực kinh tế-xã hội khó khăn như Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.

Năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn giảm xuống 2,07 con/phụ nữ, dưới mức thay thế lần đầu tiên, trong khi mức sinh thành thị dao động 1,7-1,8 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ có mức sinh thấp nhất cả nước (1,47 con/phụ nữ), còn Đồng bằng sông Cửu Long thấp thứ hai (1,54 con/phụ nữ).

Để đảm bảo bền vững các chỉ tiêu về công tác dân số, Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng Khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội; xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025.

Quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số là thống nhất và xuyên suốt.

Khung chính sách tổng thể về dân số, tập trung vào 4 nội dung: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, nhất là đối với một số địa bàn và nhóm dân cư; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên càng sớm càng tốt; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động, tích cực phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước; tập trung nâng cao chất lượng dân số, tạo nền tảng vững chắc cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đảng và Nhà nước đã sớm nhận thức được vị trí, vai trò của công tác dân số đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc. Từ Đại hội III (năm 1960), đến Đại hội VII (năm 1991) và đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), Đảng đều đề ra chính sách dân số thích hợp với từng giai đoạn, từ sinh đẻ có hướng dẫn, sinh đẻ có kế hoạch, đến dân số- kế hoạch hóa gia đình, và đến dân số và phát triển hiện nay.

Từ năm 2017 đến nay, Trung ương Đảng đã ban hành 2 Nghị quyết về chính sách dân số và phát triển. Nghị quyết 21-NQ/TW (khóa XII) chính thức định hình chính sách dân số Việt Nam cho những năm tiếp theo. Xác định chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển - chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số. Việc giải quyết các vấn đề dân số phải đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Ngược lại, trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh phải xét đến các yếu tố dân số, bao gồm không chỉ về quy mô dân số và sự biến động của chúng mà cả về cơ cấu, phân bố, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.

Nghị quyết 42-NQ/TW (khóa XIII) làm rõ thúc đẩy thực hiện chính sách dân số và phát triển theo hướng có quy mô, cơ cấu, phân bố hợp lý, cân bằng tỉ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, nhất là đối với một số địa bàn và nhóm dân cư. Nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII xác định ”Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển”. Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra nhiệm vụ” nâng cao chất lượng dân số... duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên để thích ứng với quá trình già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục