Xây dựng Kế hoạch hành động khu vực Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam

Đối với việc xây dựng Kế hoạch hành động CLMV, Trưởng SEOM CLMV Việt Nam nhấn mạnh các nước cần nghiên cứu, lựa chọn hình thức thực hiện dự án phù hợp với trạng thái “bình thường mới” của từng nước.
Xây dựng Kế hoạch hành động khu vực Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam ảnh 1Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương làm Trưởng SEOM CLMV Việt Nam. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Sáng 25/1, Hội nghị Quan chức kinh tế cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV SEOM) lần thứ 20 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là cuộc họp SEOM quan trọng của cơ chế hợp tác kinh tế CLMV.

Tham dự Hội nghị có Trưởng SEOM của các nước CLMV, đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện các bộ, cơ quan liên quan của các nước CLMV có thành phần trong cơ chế hợp tác kinh tế CLMV.

Hội nghị do Trưởng SEOM CLMV của Myanmar điều hành theo cơ chế luân phiên. Thành phần tham gia của đoàn Việt Nam có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và một số bộ liên quan gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương làm Trưởng SEOM CLMV Việt Nam.

Hội nghị SEOM CLMV 20 tập trung thảo luận 6 vấn đề chính, bao gồm kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 12 (diễn ra ngày 24/8/2020).

Cụ thể gồm rà soát việc triển khai các hoạt động trong Kế hoạch hành động CLMV 2019-2020; thảo luận và xây dựng Kế hoạch hành động CLMV 2021-2022; rà soát tiến độ triển khai dự án Nâng cao Năng lực cạnh tranh cho các nước ASEAN trong khuôn khổ Sáng kiến Hội nhập ASEAN (COMPETE); thảo luận các bước tiếp theo để triển khai Khung khổ phát triển CLMV sau khi khung khổ phát triển được thông qua tại Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10; cập nhật tình hình triển khai Sáng kiến liên kết hội nhập ASEAN IAI.

Đối với Kế hoạch hành động CLMV 2019-2020, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số hoạt động, dự án đã bị hoãn, không được thực hiện. Tuy nhiên, với sự chủ động chuyển đổi và ứng dụng công nghệ, Việt Nam đã triển khai được một số hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư theo kế hoạch đề ra.

Việt Nam đã tổ chức triển lãm trực tuyến Việt Nam Food Expo; phối hợp tổ chức và hoàn thành Khóa đào tạo nâng cao năng lực về kỹ năng đàm phán thương mại quốc tế thuộc dự án “Thúc đẩy cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến Hội nhập ASEAN (dự án COMPETE)” do Chính phủ Đức tài trợ.

Ngoài ra, phía Việt Nam còn phối hợp thực hiện dự án “Đánh giá khung pháp lý hiện tại về thương mại điện tử tại Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam do Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Hội nhập ASEAN - Nhật Bản; thực hiện dự án “Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh giai đoạn II” do New Zealand tài trợ; cấp học bổng thường niên cho học sinh, sinh viên từ 3 nước Campuchia, Lào và Myanmar.

Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động đề xuất các nước thay đổi phương thức tổ chức triển khai theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin như họp trực tuyến, hội chợ trực tuyến, đào tạo trực tuyến...; thống nhất với các nước cần tiếp tục tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ, đặc biệt là các hoạt động thương mại qua biên giới các nước CLMV, hạn chế và gỡ bỏ các rào cản thương mại không cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, đảm bảo sự vận hành của các chuỗi cung ứng.

[Xây dựng khu vực kinh tế CLMV phát triển và cạnh tranh đến năm 2030]

Đối với việc xây dựng Kế hoạch hành động CLMV cho giai đoạn mới (2021-2022), Trưởng SEOM CLMV Việt Nam nhấn mạnh các nước cần nghiên cứu, lựa chọn hình thức thực hiện các dự án phù hợp với trạng thái “bình thường mới” của từng nước.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động theo hình thức trực tuyến; tạo điều kiện cho các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ dự án của đối tác phát triển trong việc thực hiện các thủ tục nhập cảnh, xét nghiệm, cách ly.

Xây dựng Kế hoạch hành động khu vực Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam ảnh 2Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Ngoài ra, các nước cần đề xuất nhiều hơn các dự án hợp tác mang lại lợi ích cho cả 4 nước CLMV và hỗ trợ tiến trình khôi phục sau dịch, đặc biệt là các dự án về tạo thuận lợi thương mại và đầu tư; các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch giữa các nước; các dự án hỗ trợ cải thiện, nâng cao kết nối khu vực và hệ thống logistics liên quốc gia; thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận tài chính và công nghệ; các chương trình nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ (MSMEs).

Đối với việc xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết triển khai “Khung khổ Phát triển CLMV” sau khi Khung khổ đã được các Lãnh đạo Cấp cao thông qua tại Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10 vào tháng 12/2020, Việt Nam đề xuất các nước tăng cường phối hợp với nhau để xác định những hoạt động/dự án hợp tác có thể đưa vào Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa tầm nhìn 2030 và các mục tiêu nêu trong Khung khổ Phát triển CLMV.

Ngoài những nội dung chính trên, Hội nghị cũng tập trung thảo luận và cập nhật tình hình triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN IAI, dự án Thúc đẩy cạnh tranh trong Khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục