Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, địa phương đã xây dựng hoàn thành 55,7km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.720 tỷ đồng, trong đó bờ biển Tây có 43,8km kè với kinh phí 1.103 tỷ đồng và bờ biển Đông có 11,9km với kinh phí 617 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng 9,2km kè bảo vệ bờ sông với kinh phí khoảng 391 tỷ đồng.
Những công trình kè chống sạt lở bờ biển Cà Mau được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở.
Công trình kè phá sóng không chỉ góp phần ngăn chặn, khắc phục hiệu quả tình trạng sạt lở bờ biển mà còn có tác dụng gây bồi, tạo bãi trồng rừng.
Đến nay, tỉnh đã khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ tại những vị trí đã được đầu tư xây dựng công trình kè phá sóng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng cho biết nhìn chung các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển nêu trên đã mang lại kết quả tốt, góp phần bảo vệ an toàn đời sống và sản xuất của nhân dân, góp phần phục hồi môi trường sinh thái ven biển.
Thời gian qua, tỉnh đã nghiên cứu thành công giải pháp công trình kè phá sóng đạt hiệu quả tối ưu, được các chuyên gia, nhà khoa học và người dân địa phương đánh giá cao, được các địa phương áp dụng nhân rộng.
Ưu điểm của giải pháp công trình kè phá sóng là vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với công trình kè áp mái.
Trong khi kè áp mái không thể khôi phục lại rừng đã mất, những công trình kè phá sóng thì có khả năng gây bồi, tạo bãi, khôi phục lại rừng ngập mặn đã bị sạt lở trước đó.
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của địa phương nên có nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ biển của tỉnh đã được triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra. Tuy vậy, tình hình sạt lở bờ biển của tỉnh còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Kết quả rà soát của cơ quan chức năng tỉnh cho thấy hiện nay tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 91km, với các mức độ khác nhau.
Cụ thể, bờ biển Tây sạt lở nguy hiểm 22km và bờ biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm 29,1km, sạt lở nguy hiểm 40,3km.
Tỉnh dự báo với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ, có khả năng uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong.
Đối với các đoạn bờ sông nơi cửa biển bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cũng rất cần chủ động khắc phục, di dời để giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.
Do đó, tỉnh chủ động bố trí ngân sách của tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông.
Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau có nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển lên đến 31.205 tỷ đồng; trong đó, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 26.842 tỷ và dự kiến nhu cầu kinh phí từ ngân sách tỉnh 2.310 tỷ và vốn xã hội hóa 2.054 tỷ đồng./.
Cà Mau: Rừng ở U Minh Hạ đã thoát hiểm, nguy cơ xảy ra cháy còn rất thấp
Từ giữa tháng Năm đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, góp phần giải nhiệt cho toàn bộ diện tích rừng trong tình trạng khô hạn, nguy cơ cháy cao.