Xây dựng huyện đảo Cát Hải thành trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại

Huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) sở hữu Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và nhiều danh thắng nổi tiếng như vịnh Lan Hạ, các động Thiên Long, Trung Trang, Hoa Cương hay hang Luồn, bãi Cát Cò, Cát Tiên...
Bãi biển Cát Bà. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) sở hữu Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và nhiều danh thắng nổi tiếng như vịnh Lan Hạ, các động Thiên Long, Trung Trang, Hoa Cương hay hang Luồn, bãi Cát Cò, Cát Tiên, đảo Khỉ...

Huyện đảo đang tập trung phát triển kinh tế để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, hướng tới đưa Cát Hải trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại, văn minh.

Giá trị toàn cầu

Quần đảo Cát Bà nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 50km về phía Đông và nằm liền kề Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà hội tụ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam như rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ thống các hang động và là nơi sinh sống của 3.154 loài động vật và thực vật; trong đó có tới 60 loài thực vật và 22 loài động vật quý hiếm, đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là Voọc Cát Bà, là loài linh trưởng đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Cát Bà còn được biết đến một vùng đất gắn liền với nền văn minh ngàn năm, điển hình cho cộng đồng dân cư miền biển đảo Bắc Bộ, nơi những người Việt cổ đầu tiên đi theo mép biển kiếm tìm kế sinh nhai và dần tập hợp, đoàn tụ lại qua các biến cố thiên tai và lịch sử để hình thành nên nền móng của cộng đồng dân cư Cát Bà ngày nay. Quần đảo Cát Bà còn là một vùng giàu có về khảo cổ, lịch sử với 77 điểm khảo cổ đã được phát hiện và nghiên cứu.

Theo tiến sỹ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sinh cảnh đặc trưng của hệ sinh thái trên các đảo là rừng thường xanh trên núi đá vôi, là nơi cư ngụ của nhiều loài đặc hữu và quý hiếm.

Một trong những loài vật nổi tiếng nhất và đặc hữu nhất của quần đảo này là Voọc Cát Bà. Vườn Quốc gia Cát Bà còn là nơi đầu tiên các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu tiếng kêu siêu âm của loài Dơi mũi ống tiên sa (Murina harrisoni) và một số loài Dơi khác.

Khu nghỉ dưỡng bãi tắm 2 trên đảo Cát Bà. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Vườn Quốc gia Cát Bà được đánh giá là một trong những nơi lý tưởng nhất cho nghiên cứu và bảo tồn Dơi ở Việt Nam. Căn cứ vào kết quả tổng hợp từ những tài liệu công bố trước đây và kết quả điều tra năm 2015, loài Dơi hiện biết ở Vườn Quốc gia Cát Bà gồm 29 loài thuộc 12 giống, 6 họ.

Tuy nhiên, hiện nay, ở đảo Cát Bà, một phần sinh cảnh tự nhiên bị suy thoái do tác động của phát triển du lịch như làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng. Các dạng sinh cảnh hang động, nơi cư ngụ của nhiều loài động vật bị ảnh hưởng từ các hoạt động du lịch (khói hương, rác thải, tiếng ồn, ánh sáng).

Các hoạt động săn bắt động vật hoang dã phục vụ mục đích làm thực phẩm, dược liệu và buôn bán cũng ảnh hưởng đến quần thể của các loài động vật, đặc biệt là các loài có kích cỡ quần thể nhỏ. Nếu công tác quản lý, bảo tồn không tốt rất có thể quần thể này sẽ bị suy giảm trong tương lai gần.

Phát triển kinh tế để nâng cao hiệu quả bảo tồn

Bảo tồn làm công cụ để phát triển kinh tế và phát triển kinh tế để nâng cao hiệu quả bảo tồn, là chia sẻ của giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Môi trường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo đó, những giá trị của bảo tồn các vùng biển, đảo phải được khai thác hợp lý, vừa việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là các địa phương nghèo khó, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các khu di sản và sinh quyển đều tạo ra cơ hội hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí còn chia sẻ bài học kinh nghiệm về bảo tồn của thế giới. Cụ thể là mô hình bốn nhà: khoa học, quản lý, doanh nghiệp và người dân địa phương. Đây là mô hình rất thành công ở các khu sinh quyển Donana, Udaibai (Tây Ban Nha) hay Lac Saint-Pierre (Canada)...

Tiến sỹ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng Hải Phòng cần xây dựng chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, để có chiến lược bảo tồn phù hợp với điều kiện thực tiễn cần xác định địa điểm cần ưu tiên bảo tồn, các đối tượng cần ưu tiên bảo tồn (các loài đặc hữu, các loài quý hiếm) thuộc quần đảo Cát Bà.

Cầu Tân Vũ-Lạch Huyện, cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Vừa bảo tồn bền vững di sản vừa triển khai các dự án quan trọng để Cát Hải bứt phá, trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ cảng biển hiện đại, văn minh trong tương lai gần, là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành. Điểm nhấn là dự án đầu tư xây dựng công trình cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, biến Cát Hải trở thành nơi có cảng biển quốc tế tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á, và Đông Bắc Á.

Dịp 2/9 này, thành phố Hải Phòng sẽ khánh thành cầu Tân Vũ-Lạch Huyện, cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á với tổng chiều dài 5,44km, thông thương tuyến đường huyết mạch của cả nước với Cát Hải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục