Sáng 15/11, Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" (do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF - Na Uy tài trợ thông qua WWF - Việt Nam) tổ chức Hội thảo Kết thúc dự án giai đoạn 2021-2024 và triển khai mở rộng năm 2025.
Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam Văn Ngọc Thịnh cho biết, chương trình Đô thị giảm nhựa là một sáng kiến của WWF quốc tế nhằm kết nối các thành phố và điểm đến du lịch, cùng chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF hỗ trợ các địa phương đạt mục tiêu không rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Huế là thành phố thứ 7 tại Việt Nam cam kết trở thành Đô thị giảm nhựa.
Ông Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh, dù dự án kết thúc vào cuối năm 2024 nhưng WWF sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố Huế mới và các bên liên quan triển khai hoạt động mở rộng trong năm 2025 nhằm phát huy hiệu quả mô hình đô thị giảm nhựa, lan tỏa rộng hơn kết quả của Dự án đến các khu vực khác của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Từ năm 2022 đến nay, Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" đã phối hợp với các bên liên quan triển khai các mô hình và giải pháp nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn phát sinh, mở rộng mạng lưới thu gom và cải thiện hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn cũng như nỗ lực gắn kết, kêu gọi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng địa phương cùng hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Cụ thể, chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai tại 36 phường, xã của thành phố Huế với sự trang bị đồng bộ 295 điểm thùng lưu chứa chất thải rắn sau phân loại cùng hàng loạt các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về phân loại rác tại nguồn.
Mô hình "Trường học giảm nhựa" lan tỏa đến 51 trường tiểu học và trung học cơ sở, thu hút sự tham gia của hơn 155.000 giáo viên và học sinh. Mô hình du lịch giảm nhựa tại thành phố Huế đã đạt được sự hưởng ứng cam kết giảm nhựa, xây dựng kế hoạch Hành động giảm nhựa của 57 khách sạn, công ty lữ hành và nhà hàng đồng; thời xây dựng Điểm đến du lịch giảm nhựa cộng đồng tại phường Thủy Biều. Đặc biệt, du khách được khuyến khích giảm sử dụng nhựa dùng một lần khi được tiếp nước miễn phí tại các trạm nhà chờ, cấp nước ở một số điểm du lịch di sản.
Dự án triển khai thành công việc áp dụng công nghệ và giải pháp thông minh trong quản lý chất thải rắn với việc phối hợp Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế phát triển phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích hình ảnh từ camera giám sát trên đường phố nhằm nhận diện rác thải đổ không đúng quy định; ứng dụng phần mềm Hue-S cung cấp thông tin tìm kiếm điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại và hướng dẫn du lịch giảm nhựa cho người dùng, du khách.
Thông qua các hoạt động, Dự án đã tiếp cận được 1,1 triệu lượt người tham gia và ghi nhận sự đồng hành của 127 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thay đổi hành vi sử dụng nhựa và phân loại rác tại nguồn.
Đặc biệt, các chuỗi sự kiện như Hue Plogging, Tuần lễ/Tháng không túi nilon, Ngày hội tái chế, Ngày hội giảm nhựa, Thử thách làm cho thế giới sạch hơn, Chủ Nhật xanh... với hàng ngàn người hưởng ứng bao gồm học sinh, sinh viên, trung niên cho đến những người lớn tuổi với hàng tấn rác thải được thu gom. Những hoạt động này góp phần xóa các điểm nóng ô nhiễm, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng nhựa của người dân. Khoảng 570 tấn rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Huế được thu gom và quản lý thông qua dự án, đạt 265% so với mục tiêu ban đầu.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, thành phố Huế và WWF-Việt Nam cùng các đơn vị đối tác đã trao đổi, đánh giá quá trình thực hiện dự án, rút ra bài học kinh nghiệm, mô hình hay để định hướng kế hoạch tiếp tục triển khai, mở rộng dự án trong năm 2025.
Theo Giám đốc Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" Hoàng Ngọc Tường Vân, dự án kỳ vọng thành phố Huế sẽ tiếp nối để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động thời gian tới, hướng đến xây dựng Huế là đô thị giảm nhựa tiêu biểu ở miền Trung Việt Nam, hình mẫu để các thành phố khác học tập và phát triển./.
Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tài trợ 2 xe ép rác cho thành phố Huế
Việc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tặng 2 xe ép rác trị giá gần 10 tỷ đồng, góp phần giảm tình trạng rò rỉ, tối ưu hóa chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho thành phố Huế.