Xây dựng Huế thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan

Thừa Thiên-Huế đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, hướng đến xây dựng Huế trở thành đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường."
Xây dựng Huế thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan ảnh 1Đồng chí Lê Trường Lưu (ngoài cùng, trái) và Chủ tịch nước Trường Tấn Sang trong dịp thăm và làm việc tại Thừa Thiên - Huế ngày 19/10. (Ảnh: Quốc Việt​/Vietnam+)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ diễn ra từ ngày 22-24/10. Trước thềm đại hội, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi.

- Xin đồng chí cho biết những thành tựu đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiệm kỳ 2010-2015?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Kết quả lớn nhất của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiệm kỳ 2010-2015 là kinh tế được duy trì ổn định và tăng trưởng khá (bình quân đạt trên 9%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. So với đầu nhiệm kỳ đại hội, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2 lần (đạt 2.000 USD); thu ngân sách Nhà nước tăng 1,6 lần, đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%.

Toàn tỉnh hiện có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (thành phố Huế), 3 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt 52%. Nhiều công trình, dự án quan trọng hoàn thành đưa vào sử dụng như: nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài, đường phía Tây thành phố Huế, sông Hương... và các công trình trọng điểm về thủy điện, thủy lợi.

Thừa Thiên-Huế mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó, thường xuyên duy trì hợp tác với 41 nước; phối hợp tốt giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt gần 350 triệu USD, với các dự án lớn như Khu du lịch Laguna của Tập đoàn Banyan Tree, chế biến thủy sản của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam... triển khai có hiệu quả các dự án ODA, NGO. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác các địa phương trong vùng, khu vực và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.

- Theo đồng chí, nhiệm vụ trọng tâm của Thừa Thiên-Huế trong thời gian tới là gì?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Thời gian tới, tỉnh tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Đặc biệt, phấn đấu xây dựng Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học-công nghệ của cả nước và khu vực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị-xã hội ổn định, vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Hạn chế của tỉnh hiện nay là quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ; tốc độ tăng trưởng còn thấp, thiếu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, khắc phục triệt để tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước; tôn trọng các nguyên tắc hiệp thương dân chủ; phát huy vai trò phản biện xã hội và tham gia giám sát của mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội.

Tỉnh đổi mới cách ra nghị quyết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đồng thời, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ tỉnh đến cơ sở theo hướng khoa học, dân chủ, gần dân, sâu sát thực tế, nói đi đôi với làm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng văn hóa trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp.

Nhằm tạo chuyển biến cơ bản về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thóai về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động trong công tác và cuộc sống .

- Như trên vừa đề cập xây dựng Thừa Thiên-Huế thành đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường,” vậy cốt lõi của nội dung này là gì, thưa đồng chí ?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Với cố đô Huế 2 lần được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, tỉnh đang nghiên cứu thay đổi mô hình quản lý, phát triển các điểm đến tham quan di sản trên địa bàn, tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch, văn hóa Huế gắn thành phố Festival, thành phố bền vững môi trường ASEAN.

Thừa Thiên-Huế đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, hướng đến xây dựng Huế trở thành đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường." Theo đó, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa bền vững; phấn đấu đến năm 2020 có 95% các khu đô thị, 70% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt chuẩn quy định; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị các đô thị ngày một tăng.

Thành phố Huế hiện đang là một điểm đến xanh tự nhiên, đầy ấn tượng. Hiện nay ở Huế, diện tích công viên cây xanh, đường phố có cây xanh lên đến hơn 750 ha trong tổng số 7.100 ha diện tích đất công cộng. Ngoài ra, Huế còn khoảng 750 ngôi nhà vườn với hệ thống cây xanh bao phủ, có giá trị cả về văn hóa và lịch sử, tạo thành một tổng thể cây xanh cho đô thị Huế.

Quá trình xây dựng thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, tỉnh phải đối mặt với các thách thức không chỉ đối với Huế mà các đô thị Việt Nam là ô nhiễm môi trường và xử lý rác và nước thải.

Thành phố Huế đang triển khai dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế với tổng mức đầu tư 24 tỷ yen (khoảng 3.170 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây là dự án phát triển hạ tầng đô thị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được triển khai tại thành phố. Có khoảng 400.000 người dân sống trên địa bàn thành phố Huế sẽ được hưởng lợi từ dự án này.

Thừa Thiên-Huế hiện đang tập trung xây dựng các thiết chế của trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và trung tâm y tế chuyên sâu của vùng và cả nước. Đại học Huế với trên 230 giáo sư, phó giáo sư và 516 tiến sỹ, tiếp tục khẳng định vai trò của một đại học vùng trọng điểm, một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã triển khai nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến trong nhiều lĩnh vực.

Thừa Thiên-Huế vừa đón du khách thứ 30 triệu. Từ khi Khu di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới; doanh thu du lịch chiếm từ 56-57% GDP của toàn tỉnh. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các dịch vụ phục vụ du khách cập cảng Chân Mây, thúc đẩy phát triển du lịch đường biển; liên kết mở thêm các đường bay quốc tế, nội địa. Tỉnh ưu tiên đầu tư vào các dự án bảo tồn đa dạng sinh học và tái sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn tối đa các giá trị vốn có của môi trường tự nhiên, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh để phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan.

- Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục