Xây dựng hồn cốt văn hóa của Thủ đô thời hội nhập

Trong năm qua, Hà Nội đã có nhiều quyết sách, giải pháp và hướng đi khá mới mẻ để xây dựng văn hóa thủ đô trong quá trình hội nhập.
Chủ đề văn hóa, xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh thanh lịch từng được nói đến rất nhiều, lại trở nên "nóng" hơn bởi trong năm qua, Hà Nội đã có nhiều quyết sách, giải pháp và hướng đi khá mới mẻ để xây dựng văn hóa thủ đô trong quá trình hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

- Văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong hoài niệm của bà là gì?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Nói đến nét thanh lịch của người Hà Nội, người ta ví thơm như hoa nhài, ngụ ý đặt “người Tràng An” bên cạnh “hoa nhài,” “thơm” sánh với “thanh lịch.” Điều văn minh của người Hà Nội rõ nhất là phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc giản dị, kín đáo mà tinh tế có từ thời mà Hà Nội chỉ nhỏ bé với vài vạn người.

Nhà văn Nguyễn Khải đã viết: “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng.”

- Tại sao Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung xây dựng Dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử cho người Hà Nội văn minh, thanh lịch vào thời điểm này?


- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Có thể trong cuộc sống hiện đại, gấp gáp, Hà Nội hiện nay không tránh khỏi những xô bồ, những mất mát mà người ta vẫn thường so sánh với sự chuẩn mực của thời xưa cũ. Và chính những điều đó, đã phần nào làm ảnh hưởng hình ảnh Thủ đô - biểu tượng của một đất nước. Nguyên nhân thì rất nhiều, tổng hòa của những yếu tố phát triển không đồng đều trong xã hội, ví dụ quá trình nhập cư, đô thị hóa nhanh chóng cũng là nguyên nhân của sự “đồng hóa” lẫn nhau bởi thói quen trong giao tiếp của một bộ phận người lao động không có điều kiện học hành, rèn giũa. Một phần do sự tác động của những văn hóa phẩm lai căng, cứ ảo tưởng đó mới là văn minh, sành điệu và hiện đại. Do đó, quy tắc ứng xử cho người Hà Nội văn minh thanh lịch hiện nay là rất cần thiết.

- Khi có Luật Thủ đô, vấn đề thực thi ra sao, chấp hành luật thế nào... lại là cả một đoạn trường. Vậy đoạn trường này sẽ được phân khúc và lộ trình như thế nào, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hiện các cấp, ban ngành, địa phương ở Hà Nội đang tích cực triển khai việc rà soát, lên kế hoạch cụ thể. Mỗi địa phương ngoài thực hiện những quy định chung của thành phố, khi xây dựng chương trình phải gắn với những đặc thù, đặc sắc và thế mạnh trong việc bảo tồn và phát huy thế mạnh văn hóa của mình. Từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ ưu tiên và tập trung giải quyết những vấn đề văn hóa cấp thiết.

- Thưa bà, quy mô, khái niệm "người Hà Nội" cũng dần thay đổi. Việc khoanh vùng để xây dựng quy tắc ứng xử cho người Hà Nội văn minh, thanh lịch sẽ theo tiêu chí nào?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc:
Phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được triển khai thực hiện và đã được lượng hóa như đặt ra các chỉ tiêu cụ thể. Mỗi một vùng tùy điều kiện văn hóa, kinh tế sẽ xây dựng các chỉ tiêu khác nhau. Người xây dựng và thực hiện cũng phải nhận biết để phân vùng, từ đó có những chính sách đặc thù, có chương trình tuyên truyền phù hợp trình độ và có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tôn vinh những vùng văn hóa đặc sắc.

- Có ý kiến cho rằng, xây dựng văn hóa, trong đó văn hóa của người Thủ đô có lẽ là việc phải làm trước tiên, và bắt đầu từ những người lãnh đạo thành phố. Ý kiến của bà về điều này thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc:
Dĩ nhiên, muốn người dân tự giác, tự nguyện xây dựng văn hóa thì trước tiên người lãnh đạo phải gương mẫu. Suy nghĩ, trăn trở và đặt lên vai mình trách nhiệm hết sức nặng nề, để đưa ra cách làm, hướng đi hợp lý. Vì vậy, năm nay thành phố chọn làm năm “Cải cách hành chính” để siết lập kỷ cương, trước tiên là làm từ cán bộ, lãnh đạo.

- Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có cả dự án "chữa tật nói ngọng” cho người Hà Nội. Theo bà việc làm này có cấp thiết?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc:
Muốn hội nhập được với thế giới, muốn nói tốt tiếng ngoại quốc thì trước hết phải nói chuẩn và thạo tiếng mẹ đẻ, tiếng bản ngữ của mình. Bởi vậy, muốn hội nhập phải phát âm chuẩn. Thủ đô Hà Nội vốn là nơi tập trung của người dân ở nhiều vùng miền, có được sự đa dạng và đặc sắc văn hóa như hiện nay. Nhưng chúng ta cũng cần đi tìm tinh thần riêng của Hà Nội để làm nét đặc trưng. Từ 2 năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường tiểu học thường xuyên chú trọng việc sửa phát âm, viết sai khi dạy tiếng Việt, đặc biệt là các phân môn tập đọc, tập viết, tập làm văn.

- Bà đặt kỳ vọng như thế nào vào một tương lai không xa sẽ có bộ quy tắc ứng xử trả lại cho Hà Nội đúng nét văn minh, thanh lịch xưa?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Một khi đã có mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể, sự quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự tham gia của người dân Thủ đô sẽ khơi dậy, đánh thức ý thức trách nhiệm của toàn xã hội nhằm tạo ra những chuyển biến trong nhận thức, từ đó Hà Nội mới vận động theo chiều hướng tốt hơn.

- Luật không phải là “cây đũa thần,” không thể thay đổi được hành vi một con người trong một sớm một chiều. Sự quyết tâm của thành phố được thể hiện như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc:
Thành phố đã có một kế hoạch riêng biệt, rõ ràng và cụ thể như ban hành Chương trình 04- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và các địa phương đã triển khai sâu rộng đến cơ sở, cho thấy một sự quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo trong việc bảo vệ, xây dựng văn hóa Thủ đô trong thời kỳ hội nhập./.

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục