Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về đời sống văn hóa gắn với người dân, cơ sở

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được lan tỏa trong xã hội, góp phần quan trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa." (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa." (Ảnh: VGP)

Chiều 12/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đánh giá công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tiếp tục triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều hoạt động được đẩy mạnh, lồng ghép, kết hợp với các phong trào, chương trình, kế hoạch liên quan.

Ban Chỉ đạo các cấp đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phối hợp, đổi mới kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào; tổ chức nhiều hoạt động tạo không khí đoàn kết, phấn khởi.

Những nội dung cốt lõi của phong trào như xây dựng cơ quan, khu dân cư, gia đình văn hóa thực sự trở thành các phong trào thi đua sôi nổi và phát triển sâu rộng.

Năm 2024, ước tính có trên 90% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa;” trên 90% thôn, tổ đạt danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa;” trên 92% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.”

Theo Phó Thủ tướng, những phong trào, danh hiệu này được lan tỏa, mang ý nghĩa thấm dần vào xã hội, cơ sở, khu dân cư trong phát triển văn hóa; góp phần quan trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý về những kết quả, cần cố gắng định lượng những việc các bộ, ngành đã làm được, thấy được giá trị, ý nghĩa của các phong trào.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như việc khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của một số thiết chế văn hóa, thể thao có nơi hiệu quả chưa cao.

Các phong trào, mô hình tốt cần được tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng, bảo đảm phù hợp với đặc trưng, bản sắc vùng, miền, địa bàn. Việc đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh tại một số địa phương còn gặp khó khăn.

Một số địa phương chưa ban hành văn bản quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa,” “Thôn, tổ dân phố văn hóa,” “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu,” việc bố trí nguồn lực thực hiện còn khó khăn…

bo-truong-vhttdl-pb.jpg
Bộ trưởng Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. (Ảnh: VGP)

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, đối với thành viên, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; rà soát, đề xuất điều chỉnh phù hợp trong trường hợp cần thiết; tăng cường phối hợp, kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách và nguồn lực.

Đồng thời các đơn vị chú trọng đổi mới nội dung, cách làm; kiên quyết đấu tranh với những hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa; tăng cường lồng ghép hiệu quả với các phong trào, chương trình, hoạt động về văn hóa và phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức trong cộng đồng...

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, báo cáo việc tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2025 các cấp với hình thức phù hợp.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, có ý kiến đối với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí xét tặng danh hiệu đối với cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu để hoàn thiện các tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa,” “Thôn, tổ dân phố văn hóa,” “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” của địa phương; hướng dẫn thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh thời gian qua, hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng như các phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã có nhiều kết quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, với quan điểm phát triển văn hóa là kiến tạo, củng cố đời sống, niềm tin trong nhân dân.

Các hoạt động tập trung phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở gắn liền với khu dân cư; xây dựng văn hóa trong cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan truyền thông…

Pho Thu tuong Le Thanh Long2.jpg
Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh đó là phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng các doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa, chú trọng việc tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với xã hội; tập trung đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; góp phần tạo sức mạnh tổng hợp, niềm tin ý chí, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2025 các cấp; đôn đốc các cấp công đoàn thực hiện xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương…

Trong năm 2024, các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cấp thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; đưa nhiệm vụ phát triển và đầu tư cho văn hóa vào Nghị quyết Đảng bộ, gắn phát triển văn hóa với xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh những thành tích vẫn còn khó khăn trong việc đánh giá các tiêu chí đô thị văn minh và ban hành văn bản quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu văn hóa.

Hoạt động của một số thiết chế văn hóa, thể thao chưa hiệu quả và việc nhân rộng các mô hình văn hóa-thể thao, hội thi, hội diễn còn hạn chế. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và các hoạt động lễ hội vẫn gặp khó khăn ở một số địa phương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục