Sau 6 lần tổ chức, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2018 tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của người nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đã trả lời báo chí về mục đích, ý nghĩa của chương trình nhằm vận động giai cấp nông dân tích cực vươn lên làm giàu chính đáng trong thời kỳ hội nhập.
- Mục đích hướng tới của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2018 mang tầm quốc gia là gì, thưa ông?
Ông Thào Xuân Sùng: Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì đã trải qua 6 lần tổ chức và trở thành một hoạt động không thể thiếu nhằm chào mừng Ngày truyền thống Nông dân Việt Nam (14/10) hằng năm.
Tự hào Nông dân Việt Nam là chương trình để Đảng, Nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh mỗi người nông dân nói riêng và giai cấp nông dân nói chung về những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước mà trọng tâm là thực hiện phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh giỏi và tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Việc vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc chỉ là một con số rất nhỏ, nhưng có ý nghĩa khích lệ, cổ vũ, động viên to lớn. Đây là dịp khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của người nông dân Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
[Nông nghiệp 4.0: Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam]
Đây cũng là dịp phát hiện, tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng những gương nông dân điển hình tiên tiến. Những nông dân xuất sắc thực sự là một biểu tượng để các hộ nông dân khác học tập, vươn lên xứng đáng trở thành những người nông dân của thời đại mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
- Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2018 so với những năm trước, có những khác biệt như thế nào, thưa ông?
Ông Thào Xuân Sùng: Là chương trình được Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức thường niên, Tự hào Nông dân Việt Nam phát triển qua từng năm.
Năm 2018, trong khuôn khổ Chương trình có 11 hoạt động chính. Đó là tổ chức đoàn nông dân xuất sắc thăm, tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; diễn đàn nông dân quốc gia với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt”; đưa nông dân xuất sắc thăm quan, học tập mô hình và khảo sát thị trường trong và ngoài nước, tổ chức truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam lễ tôn vinh và trao danh hiệu nông dân xuất sắc năm 2018...
Với những hoạt động nổi bật nêu trên, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 không đơn thuần là sự kiện bề nổi mà còn là dịp để tranh thủ sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng lực cho người nông dân, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.
- Diễn đàn "Khơi nguồn cho nông sản Việt" sẽ "khơi" đến vấn đề nóng của ngành nông nghiệp hiện nay đó là việc tiêu thụ nông sản. Vậy để thúc đẩy nông sản Việt ra thị trường thế giới, ông có kiến nghị hoặc đề xuất gì dưới góc độ đại diện tiếng nói người nông dân?
Ông Thào Xuân Sùng: Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một sự phát triển đột biến nếu không muốn nói là ngạc nhiên. Đó là năm 2017, cả nước đã xuất khẩu nông sản đạt hơn 30 tỷ USD. Sở dĩ, người nông dân Việt Nam có những đóng góp đó là do Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn. Điều đó được thể hiện trong Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X được Quốc hội, Chính phủ thể chế từng bước để phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, người nông dân hiện nay còn đứng trước nhiều khó khăn thách thức mới trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Làm thế nào người nông dân đưa nông sản, thực phẩm của mình ra thị trường thế giới - câu hỏi này không chỉ là trăn trở, lo lắng của riêng người nông dân mà còn là của Đảng, Nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam.
Để đưa nông sản của Việt Nam có khả năng tham gia thị trường thì người nông dân không thể tự mình làm được mà cần phối hợp với nhà nước, doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã; người nông dân chỉ có thể phối hợp thông qua tổ chức có tư cách pháp nhân đó là hợp tác xã. Khi đó, hợp tác xã sẽ là người đàm phán liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp. Như vậy đòi hỏi Chính phủ phải giúp người nông dân có đủ kiến thức để thực hiện mối quan hệ liên kết; chính quyền các cấp, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương phải trang bị kiến thức cũng như có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ người nông dân thực hiện mối liên kết, hợp tác.
Về phía Hội Nông dân Việt Nam, để hỗ trợ người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, đặc biệt có khả năng tham gia thị trường, trong thời gian tới, Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam xác định phải tích cực, chủ động tổ chức phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, chính quyền các cấp; các bộ, ngành, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương để triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, các cấp Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phối hợp rà soát, bổ sung và hoàn thiện công tác quy hoạch và sử dụng đất trong phạm vi cả nước trên cơ sở xác định cơ cấu cây, con, sản phẩm có lợi thế.
Thứ hai, Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp tập trung hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân tổ chức liên kết sản xuất phối hợp chặt chẽ theo “6 nhà."
Thứ ba, trên cơ sở đó Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục nghiên cứu xây dựng thể chế và cụ thể hóa các mối quan hệ giữa "6 nhà", trong đó, người nông dân phải thể hiện được vai trò làm chủ của mình trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc dạy nghề, tổ chức cho hội viên, nông dân, nhất là những nông dân Việt Nam xuất sắc đi thăm quan học tập trong nước, nước ngoài.
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu trí thức hóa nông dân, các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ đổi mới công tác kết nạp hội viên, nông dân. Đó là mở rộng đối tượng đến học sinh, thanh niên các trường Trung học phổ thông, cao đẳng, đại học là con em nông dân và mở rộng đến các nhà khoa học; đồng thời tăng cường tập huấn cho hội viên, nông dân trước khi kết nạp vào Hội. Như thế các tầng lớp dân cư ở nông thôn sẽ có nguồn nhân lực lao động chất lượng cao.
Thứ tư, tập trung xây dựng các chi hội nông dân ở cơ sở và các hợp tác xã, cụ thể là xây dựng 15.000 hợp tác kiểu mới hoạt động thực sự vững mạnh để làm vai trò nòng cốt cho việc tổ chức, tư vấn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã xác định trong những năm tới. Đó là đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại nông thôn hóa và tri thức hóa nông dân.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!