Xây dựng hình ảnh đẹp, phát huy giá trị truyền thống tại các lễ hội Xuân

Năm nay, công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở Hà Nội đã có nhiều đổi mới nhằm đưa hoạt động lễ hội trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, văn minh và an toàn.
Lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 chính thức khai mạc với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn-văn minh-thân thiện." (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Lễ hội Xuân đang diễn ra ở khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, thu hút sự tham dự của đông đảo người dân và du khách thập phương.

Theo ghi nhận, công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm nay có nhiều chuyển biến, đảm bảo bản sắc truyền thống, văn minh, an toàn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Xây dựng hình ảnh đẹp

Hà Nội được biết đến là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Bên cạnh các lễ hội lớn, có quy mô cấp vùng như Hội Chùa Hương, hội Gióng đền Sóc, hội Cổ Loa, đền Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tản Viên Sơn Thánh còn có các lễ hội truyền thống khác như đền Và, đền Giang Xá, vật cầu Thúy Lĩnh…

Năm nay, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã có nhiều đổi mới nhằm đưa hoạt động lễ hội trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, văn minh và an toàn. Các quận, huyện, thị xã triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả, huy động các đoàn thể cùng cộng đồng tham gia.

Thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được đề cao trong các hoạt động lễ hội. Phần lễ và phần hội được tổ chức trang trọng, giữ đúng bản sắc văn hóa, đảm bảo sự vui tươi, an toàn.

Mùa Lễ hội Chùa Hương 2024, huyện Mỹ Đức chuyển đổi hình thức bán vé truyền thống sang bán vé điện tử nhằm tạo sự văn minh, sự minh bạch về giá, tránh vé giả, vé lậu. Hệ thống thuyền đò phục vụ cho lễ hội do Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương cung cấp quản lý và thực hiện. Các xuồng đò vận chuyển khách được trang bị đầy đủ như lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, vật nổi, ô che mưa che nắng…

Nhiều người dân dừng lại trong động hứng những giọt nước chảy ra từ khối nhũ đá với mong muốn may mắn cho Năm Mới. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, huyện đã chỉ đạo các tiểu ban liên quan sẵn sàng ứng trực, kiểm tra, giám sát các hoạt động để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm, không để người hành khất trong khu vực lễ hội, phòng ngừa các tệ nạn xã hội…

Tại thị xã Sơn Tây, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Nguyễn Hải Anh cho biết Ủy ban Nhân dân thị xã thành lập Ban tổ chức Lễ hội đền Và, xây dựng nội dung, chương trình cụ thể, bảo đảm hài hòa cả phần lễ và phần hội; đồng thời vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia.

Để đảm bảo cho lễ hội diễn ra an toàn, Ban tổ chức phân luồng giao thông từ xa, hướng dẫn khu vực để các phương vận chuyển và cho phép trò chơi dân gian diễn ra tại khu vực bãi đỗ xe tạm để tránh những trò chơi biến tướng.

Để đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các giá trị truyền thống, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương không để xảy ra hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự, phù hợp với điều kiện của cơ sở; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh với ý thức tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Hạn chế tối đa phản cảm

Nếu trước đây, Lễ hội Chùa Hương luôn là tâm điểm được nhắc đến khi công tác tổ chức, lễ hội để xảy ra nhiều tồn tại về vệ sinh môi trường, chèo kéo khách, kinh doanh thực phẩm không đúng quy định, văn minh nơi thờ tự…, những năm gần đây, lễ hội này đã hạn chế tối đa những bất cập, phản cảm.

Tại các đền, chùa, động trong Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn không còn hiện tượng ăn xin, ăn mày; môi trường dòng suối Yến cũng như khu vực các đền chùa sạch sẽ, không tồn đọng rác thải. Khách tham quan được hướng dẫn dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức, gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.

Hội Gióng tại đền Sóc được chuẩn bị lễ vật vô cùng công phu như đàn voi và giò hoa tre. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cũng nhiều năm nay, Lễ hội Gióng đền Sóc ở huyện Sóc Sơn đổi mới công tác tổ chức việc tất lộc hoa tre và trầu cau sau khi các thôn làng dâng lễ Thánh xong. Nhờ đó, hiện tượng cướp lộc không còn; Ban tổ chức phát lộc cho người dân theo trật tự. Việc đổi mới này đã hạn chế những hành động phản cảm tranh cướp lộc mà dư luận lên tiếng như trước đây.

Người dân hoan hỉ nhận lễ, môi trường lễ hội văn minh, trong khi đó các nghi thức truyền thống vẫn được đảm bảo. Còn tại Phủ Tây Hồ, một điểm tâm linh nổi tiếng của Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội và du khách từ các tỉnh, thành cũng không còn xảy ra các hiện tượng bất cập.

Trưởng Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ Trương Tín Hồi cho hay Tiểu ban đã bố trí khu vực viết sớ riêng, khuyến khích và thử nghiệm các hoạt động dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Khu vực viết sớ năm nay cũng có đổi mới, người viết sớ, viết chữ mặc đồng phục áo dài đỏ, tạo diện mạo mới và gây thiện cảm đối với du khách trên đường hành hương lễ phủ.

Đặc biệt, Tiểu ban quản lý di tích không cho phép đốt hương ở khu nội tự, không đốt mã tại phủ, người đi lễ chỉ hóa tiền vàng truyền thống. “Di tích đẩy mạnh tuyên truyền và khoảng 3 năm trở lại đây, việc đốt tiền vàng đã giảm hẳn, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường,” ông Trương Tín Hồi chia sẻ.

Đánh giá công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình-Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng cho biết các di tích cơ bản đều có phương án tổ chức bài bản, đúng quy định, chưa ghi nhận vi phạm, các hiện tượng tiêu cực, hình ảnh phản cảm cơ bản được đẩy lùi.

Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, xây dựng môi trừng văn hóa trong lễ hội theo Bộ tiêu chí được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Tuy nhiên, ông Bùi Minh Hoàng cũng cho rằng trong tháng Giêng dự báo lượng khách đi lễ vẫn đông, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích cần tập trung lực lượng để hướng dẫn du khách chu đáo; tuyên truyền người dân đi lễ văn minh, đặc biệt chú ý vấn đề phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, cảnh quan, an toàn vệ sinh thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục