Xây dựng hệ thống trường Đảng trở thành "địa chỉ đỏ" về đào tạo cán bộ

Đến nay, trong tổng số 2.648 cán bộ, viên chức trường chính trị cả nước, có 234 tiến sỹ, 296 nghiên cứu sinh, 1.961 thạc sỹ, 1.913 giảng viên có trình độ Cao cấp Lý luận chính trị.
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng và các đại biểu chủ trì hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 9/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các trường chính trị trong cả nước tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác trường chính trị năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao nỗ lực của các trường chính trị trong năm 2024, thể hiện quyết tâm rất cao trong việc chuẩn bị về mọi mặt để sớm đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.

12 địa phương trong năm 2024 đã rất nỗ lực chỉ đạo hoàn thành xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 và đa số các trường trong số này đều về đích sớm hơn 1 đến 2 năm so với mục tiêu đề án.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, điểm nổi bật của các trường chính trị khi đạt chuẩn đó là cơ sở vật chất rất tốt, quy mô đào tạo lớn, các chỉ tiêu về đội ngũ các trường cơ bản đã đạt được, nhiều trường còn vượt chuẩn.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã triển khai rất phong phú, đa dạng. Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có nhiều chuyển biến tích cực, các trường chính trị đã có hàng trăm đề tài, hội thảo cấp tỉnh, cấp bộ; có trường triển khai đến 4 đề tài cấp tỉnh trong năm, và những nghiên cứu này đều bắt đầu từ thực tiễn địa phương.

Một số trường bước đầu thực hiện chuyển đổi số với các phần mềm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và quản lý điều hành.

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng những kết quả đạt được là nỗ lực rất lớn, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và hệ thống chính trị địa phương; cùng việc phát huy vai trò chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chuyên môn đối với các trường của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị năm 2025 các trường tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện các mặt công tác trường chính trị, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa. Phấn đấu, quyết tâm xây dựng hệ thống trường Đảng “bản sắc, hiện đại, hội nhập, tiên phong”; trở thành một "địa chỉ đỏ" về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nơi kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của một trường Đảng kiểu mẫu ở địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng đối tượng người học tại các trường chính trị vừa là cán bộ có trình độ chuyên môn, vừa rất giỏi thực tiễn. Do đó, phải làm sao để đội ngũ cán bộ được đào tạo tại mái trường Đảng hiểu đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; có tư duy, tầm nhìn, kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Ban Thường vụ, Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên và phải xác định đây là trường Đảng cao cấp nhất tại địa phương, không phải câu chuyện của riêng nhà trường.

Đối với các trường đã đạt chuẩn mức 1, cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh, ban hành đề án, kế hoạch chuẩn mức 2; rà soát kỹ lưỡng, phân định rõ các nhóm chỉ tiêu cụ thể. Chuẩn mức 2 hướng đến xây dựng trường chính trị thực sự kiểu mẫu, trung tâm hàng đầu và duy nhất của tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý các trường cần tập trung tham gia xây dựng, góp ý kiến cho Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; thực hiện thật tốt việc lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu; tích cực tham gia cuộc thi chính luận lần thứ 5.

Năm 2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị lần thứ 9 tại thành phố Hải Phòng. Giám đốc Học viện đề nghị các trường chính trị triển khai nghiêm túc Hội thi từ cấp cơ sở để chọn cử được những giảng viên xuất sắc nhất tham gia Hội thi cấp toàn quốc.

Nhấn mạnh công tác trường chính trị đã và đang có những chuyển động rất tích cực, ông Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng, với sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm cao nhất của Học viện, các tỉnh/thành ủy và các trường chính trị, công tác trường chính trị trong năm 2025 cũng như những năm tiếp theo sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo và trường chính trị các tỉnh, thành phố… đã nêu bật những kết quả đạt được, sự vào cuộc và từ thực tiễn rất sinh động của 21 trường đã đạt chuẩn trong thời gian qua.

Theo báo cáo, năm 2024, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chủ trì triển khai các hoạt động thúc đẩy xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng trao Bằng khen của Giám đốc Học viện cho các tập thể. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đội ngũ giảng viên trường chính trị được chuẩn hóa, nâng cao trình độ lý luận chính trị cũng như năng lực chuyên môn.

Đến nay, trong tổng số 2.648 cán bộ, viên chức trường chính trị cả nước, có 234 tiến sỹ, 296 nghiên cứu sinh (năm 2024 có 90 giảng viên được cử đi học nghiên cứu sinh), 1.961 thạc sỹ, 1.913 giảng viên có trình độ Cao cấp Lý luận chính trị, 35 giảng viên cao cấp, 1.174 giảng viên chính.

Quy mô các lớp đào tạo hệ tập trung đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Lần đầu tiên tỷ lệ lớp tập trung đạt 1/1,26, vượt chuẩn mức 2.

Nhiều tỉnh ủy, thành ủy thống nhất chủ trương đưa toàn bộ các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về trường chính trị, xây dựng trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất ở địa phương. 13 nhiệm vụ khoa học đã được giao cho các trường phối hợp với các học viện, viện trực thuộc Học viện triển khai thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục