Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Việc xây dựng được tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nông dân nắm vững quy trình sản xuất mà còn hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê phát biểu ý kiến tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên để giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản hữu cơ cần phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với nhu cầu thực tế.

Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại Diễn đàn xúc tiến sản phẩm nông sản hữu cơ Việt Nam do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 20/9.

Ông Nguyễn Văn Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước áp lực về sản lượng, giải quyết bài toán kinh tế, thu nhập cho người sản xuất đã làm cho quá trình phát triển nền nông nghiệp hữu cơ gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển, có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm thì diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng chỉ chiếm một phần nhỏ, chưa đến 10% diện tích đất nông nghiệp. Riêng tại Việt Nam, số liệu mới nhất cho thấy diện tích đất có điều kiện canh tác nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng diện tích đất nông nghiệp.

Ông Mai Thanh Thảo - thành viên Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, có thể tạo ra nguồn sinh khối, nguyên liệu phong phú phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo phương pháp hữu cơ.

Ngoài ra, công nghệ sinh học đang từng bước phát triển và được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.

Về thị trường, ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm và ưu tiên lựa chọn những thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn đang loay hoay với bài toán sản xuất theo tiêu chuẩn nào và bán cho ai.

[Mega Story] Đi tìm phúc lợi của thiên nhiên từ nông nghiệp hữu cơ

Theo ông Mai Thanh Thảo, quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, chi phí sản xuất cao trong khi năng suất lại thấp hơn sản xuất thông thường. Mặc dù nhu cầu nông sản hữu cơ tăng nhưng chưa ổn định, lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ chưa cao nên phần lớn nông dân chưa thật sự có nhu cầu chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Đó cũng là nguyên nhân khiến sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể và quan trọng là chưa theo một tiêu chuẩn chung nào.

Bà Trần Thị Trang Như - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và phân phối Sài Gòn, chia sẻ sau nhiều năm xuất khẩu nông sản thông thường, các khách hàng của công ty đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu nông sản hữu cơ, đặc biệt, có nhiều đối tác đã chuyển sang nhập khẩu toàn bộ sản phẩm nông sản hữu cơ. Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm hữu cơ trên thế giới đang tăng đáng kể và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong khoảng 5-10 năm nữa.

Thế nhưng, hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn về nguồn cung nông sản hữu cơ trong nước, chủ yếu phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sơ chế, đóng gói và xuất khẩu. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lại phàn nàn gặp khó về đầu ra cho nông sản hữu cơ.

Ông Dương Hoa Xô, Đại diện Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Theo bà Trần Thị Trang Như, mấu chốt nằm ở chỗ các cơ sở sản xuất nông sản hữu cơ có chứng nhận và không có chứng nhận sản xuất hữu cơ bởi không chỉ khi xuất khẩu mà ngay cả khi tiêu thụ trong nước, người tiêu dùng cũng đòi hỏi phải có chứng nhận cụ thể.

Lý giải về tình trạng này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cho biết đã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký chứng nhận hữu cơ.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nêu vấn đề hiện nay chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã rất cao, chi chí làm hồ sơ chứng nhận sản phẩm nông sản hữu cơ cũng cao khiến nhiều nông hộ, cơ sở sản xuất không kham nổi.

Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ chi phí chứng nhận lần đầu nhưng lại chỉ hỗ trợ trong việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam, trong khi nông sản muốn xuất khẩu vào các thị trường lớn phải đạt chứng nhận được quốc tế công nhận rộng rãi như tiêu chuẩn của Mỹ, EU hay Nhật Bản.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Lâm San, cho rằng Nhà nước đã ủng hộ các nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường; trong đó có nông nghiệp hữu cơ bằng rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều chính sách của nhà nước đang mang tính hình thức và chưa mang lại giá trị thực tế trong việc hỗ trợ người sản xuất giảm chi phí, nâng cao năng lực canh tranh.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ tiêu chuẩn, Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và nông sản trở thành một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, việc tiêu chuẩn hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng là việc làm cấp thiết.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, việc xây dựng được tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nông dân nắm vững quy trình sản xuất mà còn hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm với đối tác.

Quan trọng hơn, Việt Nam phải xây dựng được tiêu chuẩn có thể đáp ứng các yêu cầu thỏa thuận, công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp của nhiều thị trường, có như vậy mới giải quyết được vấn đề sản xuất theo tiêu chuẩn nào, tiêu thụ ở đâu cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục