Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành khí tượng thủy văn hiện đại

Năm 2015, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ xây dựng hệ thống quản lý khí tượng thủy văn hiện đại, phục vụ tốt công tác dự báo.
Người dân ở Sa Pa lùa trâu, bò xuống núi tránh rét. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Năm 2015, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tập trung xây dựng hệ thống quản lý, điều hành, xử lý số liệu khí tượng thủy văn hiện đại phục vụ công tác dự báo.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 được Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra ngày 24/12, tại Hà Nội.

Cùng với đó, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tập trung đảm bảo hoạt động ổn định mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; đo đạc, quan trắc, thu thập các số liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, kịp thời, chính xác; giữ vững và nâng cao một bước chất lượng điều tra cơ bản; đảm bảo duy trì hoạt động cho mạng máy chủ và các hệ thống thông tin chuyên ngành khí tượng thủy văn thông suốt trong mọi tình huống; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin chuyên ngành.

Trung tâm cũng quy hoạch lại các hệ thống truyền dẫn, luồng dữ liệu của các đơn vị trực thuộc nhằm khắc phục các tồn tại về hiện trạng hệ thống thông tin, tiết kiệm kinh phí và nhân lực duy trì hệ thống; thiết lập kết nối mạng với Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tăng cường trao đổi dữ liệu, tiếp thu công nghệ và ứng dụng.

Trung tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án thuộc Đề án Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010-2012; các dự án đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn theo quy hoạch tại Quyết định số 16/2007 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung thực hiện có hiệu quả dự án WB5 "Tăng cường hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo sớm”, dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ “Tăng cường năng lực đối phó thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra”.

Các dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, bão và dông, sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia”, “Tăng cường hệ thống dự báo và cảnh báo lũ lụt tại Việt Nam-giai đoạn II”, “Tăng cường mật độ điểm đo khí tượng, đo mưa tự động phục vụ dự báo thời tiết và đảm bảo an toàn hồ chứa”, “Hiện đại hóa hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc” sẽ khẩn trương được thực hiện ngay sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Trung tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước và các tổ chức thế giới và khu vực, mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Italy, Mỹ... khai thác và phát huy tiềm năng công nghệ, kỹ thuật hiện có ứng dụng có hiệu quả vào nghiệp vụ dự báo và quan trắc khí tượng thủy văn.

Đặc biệt, Trung tâm tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm, như áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, rét đậm, rét hại phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ giảm nhẹ thiệt hại thiên tai; tăng cường năng lực dự báo phục vụ khí tượng thủy văn, nhất là dự báo bão, lũ; từng bước nâng cao chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, đa dạng hóa các sản phẩm dự báo để phục vụ tốt đời sống xã hội, phát triển kinh tế đất nước.

Công tác tuyên truyền về khí tượng thủy văn, nhất là về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm và cách phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lớn, lũ quét, dông, tố lốc được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiểu biết của người dân để chủ động phòng, tránh.

Năm 2014, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo và dự báo sát diễn biến của 2 áp thấp nhiệt đới và 4 cơn bão, trong đó có 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; 26 đợt không khí lạnh, 4 đợt rét đậm, rét hại; 14 đợt nắng nóng diện rộng; 20 đợt mưa lớn; 20 đợt lũ trên phạm vi cả nước.

Các bản tin dự báo về bão và áp thấp nhiệt đới của Trung tâm kịp thời và khá chính xác, góp phần đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân; cung cấp đầy đủ thông tin cho Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các ban, ngành, địa phương, phục vụ tốt công tác chỉ đạo sản xuất và phòng chống thiên tai.

Thực hiện công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão năm 2014, Trung tâm đã tổ chức kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống thông tin chuyên ngành tại các đơn vị trực thuộc.

Trung tâm cũng chủ động làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tăng cường sự phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường với các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và đẩy mạnh sự phối hợp trong bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.

Trung tâm đã tăng cường các bản tin dự báo thời tiết biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước; tiến hành cải tiến, thay đổi, điều chỉnh cả về hình thức và nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo theo hướng rõ hơn, chi tiết hơn về ảnh hưởng của bão, mưa, lũ.

Bản đồ dự báo bão dễ tham khảo hơn, đã nhận định rõ hơn về diễn biến mưa, vùng và thời gian có gió mạnh, khu vực (huyện) nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao; các bản tin dự báo bão, lũ được phát sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ so với trước đây và chuyển ngay đến các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh để kịp thời phục vụ địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục