Sáng 20/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực AI.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hội thảo năm 2019 của Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng Đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025."
Đề án có tính chất tương hỗ quan trọng để thực hiện thành công Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” và Đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết từ năm 2017, thành phố đã tích hợp một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn và làm nền tảng để thành phố triển khai thành công Đề án đô thị thông minh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Phong, nhìn tổng thể, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống còn khá chậm. Thành phố đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới; thiếu chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách về AI.
Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự nghiên cứu và ứng dụng AI trên địa bàn thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn các chuyên gia hiến kế tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển lĩnh vực này.
[TP.HCM sắp có Trung tâm điều hành giao thông thông minh đầu tiên]
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận về xu hướng phát triển, khả năng nghiên cứu và ứng dụng AI, sự sẵn sàng của Thành phố Hồ Chí Minh cùng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo.
Các chuyên gia chia sẻ nhiều hoạt động nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này đã đạt được một số kết quả khả quan với các ứng dụng cụ thể phục vụ công tác quản lý nhà nước, giám sát an ninh, định danh người qua video, hệ thống tư vấn tự động, giao thông thông minh...
Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc, Trưởng phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ các cường quốc trên thế giới đều quan tâm đến AI, bởi các nước dẫn đầu về AI sẽ dẫn đầu về nhiều phương diện. Do vậy, thành phố phải quan tâm phát triển AI, với tầm nhìn tương lai để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dữ liệu của khu vực Đông Nam Á.
Muốn thực hiện mục tiêu này, cần có những hoạt động về AI, xây dựng được hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thành phố cần triển khai nhiều giải pháp dựa trên ba mũi nhọn: nghiên cứu đào tạo, làm chủ công nghệ, đổi mới-sáng tạo và khởi nghiệp.
Trong khi đó, giáo sư, tiến sỹ Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) đề xuất, cần tập trung xây dựng hạ tầng số tại Thành phố Hồ Chí Minh. Muốn phát triển lâu dài phải phát triển hạ tầng số, có máy tính kết nối dữ liệu; đồng thời phải chú trọng công tác nhân lực, với nhân lực AI phổ thông (người lao động phải sử dụng được công nghệ AI) và nhân lực AI tinh hoa (có thể giải quyết được các bài toán thách thức của thành phố).
Cùng với đó, thành phố cần điều chỉnh chương trình đào tạo AI tại các trường (hiện đã cũ).
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Thông điệp vui được các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo chính là chúng ta đã có cơ sở đại học đi vào nghiên cứu, ứng dụng lĩnh vực này thời gian dài như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo trực thuộc, các doanh nghiệp trên địa bàn. Như vậy, thành phố bước vào lĩnh vực này không phải từ đầu mà đã có nền tảng cơ sở là các phòng thí nghiệm AI, các khoa chuyên về đào tạo máy tính hiệu năng cao, một số doanh nghiệp có ứng dụng AI…"
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nếu quyết tâm, bây giờ chưa phải quá chậm. Tuy nhiên, để thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo không thể từ một phía. Đó phải là sự kết hợp liên ngành, từ nhà nghiên cứu, người ứng dụng và các cơ quan tài trợ. Do vậy, thành phố cần xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điều kiện về kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay rất thuận lợi cho xây dựng hệ sinh thái này.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân định hướng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm phối hợp với các đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu về những đơn vị, cá nhân có thể tham gia đề án xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI.
Đồng thời, thành phố thành lập một Ban xây dựng, điều hành chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó thành viên của Ban được tập hợp từ những cá nhân thuộc cơ sở dữ liệu trên; cố gắng cuối tháng 3/2019 thành lập Ban này để triển khai các công việc; sớm xác định chương trình trọng tâm trong hai năm sắp tới; có chương trình đào tạo nhân lực về AI theo mô hình "đại học chia sẻ".../.