Theo trang mạng atimes.com, hai dự án xây dựng hải cảng trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc gần các cơ sở trọng điểm của Israel đang làm dấy lên những quan ngại về vấn đề an ninh và quan hệ với Washington.
Trung Quốc đang xây dựng hai hải cảng tại thành phố Haifa, gần căn cứ quân sự quan trọng của Israel, và thành phố Ashdod gần Tel Aviv. Trong khi đó, Haifa và Ashdod cũng là nơi mà hạm đội hải quân 6 của Mỹ thường xuyên điều tàu khu trục đến lưu trú.
Ví dụ, khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Arleigh Burke đã ghé thăm thành phố cảng Haifa hồi tháng 10 nhờ sự hỗ trợ của Hạm đội 6 của Mỹ có trụ sở ở Naples (Italy). Động thái này làm nảy sinh những quan ngại về tiềm lực quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Địa Trung Hải và Trung Đông.
[Tàu chiến Mỹ lần đầu cập cảng Israel trong vòng gần 20 năm qua]
“Cảng dân sự của Trung Quốc ở Haifa tiếp giáp với lối ra vào của căn cứ hải quân Israel gần đó, nơi mà hạm đội tàu ngầm của Israel được bố trí và theo truyền thông phương Tây, căn cứ này của Israel duy trì năng lực tấn công tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm,” tờ Haaretz đưa tin. “Không ai ở Israel nghĩ tới những vấn đề chiến lược,” Haaretz đưa tin hồi tháng Chín.
Hồi năm 2015, Tập đoàn cảng biển quốc tế Thượng Hải của Trung Quốc đã ký hợp đồng, bắt đầu xây cảng Haifa từ tháng Sáu, và để điều hành cảng Bayport trong vòng 25 năm kể từ năm 2021.
Tập đoàn này cũng đã ký các bản ghi nhớ với các cảng Mỹ ở Seattle, Washington, hồi năm 2006 và Cơ quan điều hành cảng Georgia hồi năm 2004, cùng với Barcelona, Tây Ban Nha, năm 2006. Ngoài ra, tập đoàn trên cũng hợp tác với các hải cảng của châu Âu ở Rotterdam, Hamburg và London và hai cảng ở Nhật Bản.
Trong khi đó, China Harbor Engineering, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc, đang xây dựng cảng ở thành phố Ashdod, cách Tel Aviv khoảng 40km về phía Nam. “Với 3 tỷ USD, đây là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Israel từ trước đến nay, và cũng là một trong những dự án lớn nhất đối với China Harbor Engineering,” Arthur Herman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson có trụ sở ở Washington viết trong bài nghiên cứu đăng tải hồi tháng 11. “Ashdod nằm ven bờ Địa Trung Hải là điểm đến của gần 90% lưu lượng hàng hải quốc tế của Israel,” Herman lưu ý.
Cảng hiện tại của Ashdod lại là nơi khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Ross của Mỹ ghé thăm hồi tháng 10 và cũng hỗ trợ “những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực hoạt động của Hạm đội thứ 6 của Mỹ,” một quan chức quan hệ công chúng của tàu USS Ross viết trên trang thông tin của Hải quân Mỹ.
“Đây là thời điểm lịch sử,” Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố hồi năm 2017 khi ông cùng giới chức Trung Quốc thực hiện lễ khởi công cảng Ashdod.
Bộ Giao thông Israel và cơ quan quản lý cảng biển của nước này đã cho phép việc xây dựng hai cảng nói trên của Trung Quốc tại Haifa và Ashdod “mà không hề có sự can dự nào của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel cũng như Hải quân Israel,” tờ Haaretz viết.
“Quan ngại đầu tiên là việc Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng chiến lược và nguy cơ do thám,” tạp chí Nhà kinh tế có trụ sở ở London đưa tin hồi tháng 10. Theo tạp chí này, hạm đội tàu ngầm của Israel, được biết đến có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, đồn trú ở Haifa. Vậy mà thỏa thuận xây cảng ký với Trung Quốc lại không hề được thảo luận trong nội các hoặc hội đồng an ninh quốc gia, một tình huống mà một bộ trưởng Israel miêu tả là hết sức ngạc nhiên.
Các đảng phái chính trị của Israel và một vài cựu giới chức an ninh quốc gia nước này đã bày tỏ hoài nghi. Họ cũng cảnh báo các vấn đề an ninh tiềm tàng và nguy cơ xảy ra rạn nứt quan hệ với Mỹ do Trung Quốc đầu tư xây dựng các dự án hải cảng nói trên, theo đánh giá của Elliott Abrams, nghiên cứu cấp cao về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington đồng thời từng là phó cố vấn an ninh quốc gia thời chính quyền George W. Bush.
Hai cảng này là một phần trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh.
Sáng kiến này sẽ kết nối Trung Quốc với các nước ở châu Á, Trung Đông và châu Âu dọc theo các tuyến đường thương mại sôi động trên biển và trên mặt đất, trong đó Ashdod đóng vai trò là hải cảng thiết yếu cho tuyến đường thương mại huyết mạch với châu Âu, ông Abrams phân tích.
Cảng Haifa và Ashdod của Trung Quốc là một phần của chiến lược xuyên Á đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm theo đuổi ba nguồn lực chính cho sự thịnh vượng của Trung Quốc trong tương lai: Chất hóa dầu, thị trường tiêu dùng và công nghệ hiện đại. Dầu khí của Trung Đông là động lực tăng trưởng cho Trung Quốc, ông Abrams nói.
Bên cạnh đó, Trung Đông cũng tạo ra một thị trường thương mại khổng lồ tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Gilad Cohen, Vụ phó Vụ châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Israel, lại tỏ vẻ lạc quan về các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Israel.
Hồi tháng 10, quan chức này cho rằng có một số người coi đầu tư kinh tế của Trung Quốc trong khu vực là một mối đe dọa đối với các lợi ích của Israel và nguy cơ đối với sự độc lập kinh tế. Những quan điểm này đang hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước.
Trong khi đó, Asia Times ghi nhận những dấu mốc trong mối quan hệ Trung Quốc-Israel. Thủ tướng Netanyahu đã tiếp đón Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cùng với Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, tại Jerusalem hồi tháng 10.
Ông Netanyahu nói rằng cuộc gặp này cho thấy “mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước, hai nền kinh tế và giữa người dân hai nước chúng ta.” Trước đó, hồi năm 2017, Thủ tướng Netanyahu cũng đã thăm Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Israel từ năm 1992 khi ông Đặng Tiểu Bình và Yitzhak Rabin nắm giữ quyền lực và tiếp tục ủng hộ Israel trong các cuộc bỏ phiếu ở Liên hợp quốc./.