Xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của miền Bắc

Đẩy mạnh logistics và liên kết, phát triển Vùng Thủ đô, các đơn vị cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ, hợp tác với Hà Nội để xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc.
Xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của miền Bắc ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)

Ngày 13/10, phát biểu tại hội thảo "Đẩy mạnh logistics và liên kết, phát triển Vùng Thủ đô" do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, Vùng Thủ đô được xác định sẽ trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn của Việt Nam.

Đây là tiền đề và cũng là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển logistics của Vùng và kết nối trong Vùng, ngoài Vùng. Hà Nội ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao vào các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch, logistics...

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung vào thảo luận các vấn đề như mô hình logistics đô thị ứng dụng cho vùng Thủ đô Hà Nội; phát triển nhân lực logistics; Chuyển đổi Số trong hoạt động vận tải đường bộ; Chuyển đổi Số và chuyển đổi Xanh trong lĩnh vực logistics; một số ứng dụng AI cho ngành giao vận... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để phát triển logistics của vùng Thủ đô Hà Nội.

Đẩy mạnh logistics và liên kết, phát triển Vùng Thủ đô, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ, hợp tác với thành phố Hà Nội để xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc. Cùng với đó, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics để sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

[Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023]

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp logistics Hà Nội đã đáp ứng được 25% nhu cầu trong nước, 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, còn lại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Cụ thể, Hà Nội có khoảng 25.000 doanh nghiệp hoạt động logistics với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ logistics khác nhau; khoảng 400 doanh nghiệp đang sử dụng gần 100ha đất để kinh doanh cho thuê kho, bãi tập kết sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu chờ cung ứng, phân phối, tiêu thụ; với các quy mô từ kho, bãi có diện tích nhỏ nhất là 60m2 đến kho, bãi có diện tích lớn nhất là 63.014m2.

Tuy nhiên, các kho, bãi này còn rất nhỏ lẻ, rời rạc, nằm rải rác trên địa bàn quận, huyện, thị xã thiếu sự gắn kết, hình thành một cách tự phát. Do vậy, quy mô đầu tư các kho, bãi này đơn giản; phần lớn là san nền phẳng và nhà kho sử dụng kết cấu lắp ghép khung thép có lợp mái tôn; một số ít kho, bãi có kho lạnh chuyên dụng để lưu trữ hàng thực phẩm đông lạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy phát triển logictics, Hà Nội cần đặt ra mục tiêu phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP của thành phố.

Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực.

Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục