Sáng 13/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã dự Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón Bằng công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương thành tích của tỉnh Hà Nam trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, sau gần 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn đã và đang ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn.
Hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ. Kinh tế nông thôn, trong đó có sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, xuất hiện hàng vạn mô hình sản xuất, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố, vững mạnh.
Đến tháng 12/2020, cả nước đã có 5.506 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62% số xã; 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 26% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Đặc biệt, 4 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có Hà Nam...
[Đô thị Đồng bằng sông Hồng tập trung xây dựng và phát triển xanh]
Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trở thành một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thủ đô.
Theo đó, Hà Nam cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là những dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Phó Thủ tướng gợi mở, Hà Nam có thể tập trung phát triển một số ngành dịch vụ như du lịch, thương mại, vận tải, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa-thể thao… trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch; tập trung huy động nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại...
Tỉnh Hà Nam cần tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh cũng cần phát triển hệ thống y tế, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân; chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 100% số xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tất cả 6 huyện, thị xã, thành phố và tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh Hà Nam đã huy động đầu tư gần 31.000 tỷ đồng cho xây dựng các tiêu chí nông thôn mới từ xã đến huyện. Đến nay, 100% tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn và đường trục chính nội đồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam được đầu tư làm mới, nâng cấp đồng bộ.
100% số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn về chỉ tiêu trường Trung học Phổ thông; đạt chuẩn về chỉ tiêu văn hóa và Trung tâm Y tế các huyện đều được công nhận là đơn vị sự nghiệp hạng III. 100% số huyện đạt chuẩn tiêu chí về y tế-văn hóa-giáo dục…
Về phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hà Nam đã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực lúa chất lượng cao với diện tích lúa khoảng 27.000 hecta; các vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 5.000 hecta.
Hơn 160 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch... Tỉnh đã triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay đã công nhận 41 sản phẩm OCOP.
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2020 tăng xấp xỉ 3,7 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 10,68% năm 2010 xuống còn khoảng 1,84% năm 2020.
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu; 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 12-15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới còn dưới 0,5%, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên.../.