Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị

Tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc của mỗi nước.
Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị ảnh 1Lễ ký Thông cáo chung Kết quả Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển lần thứ 6, năm 2022. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Ngày 20/9, tại tỉnh An Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế "Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển" lần thứ 6, năm 2022.

Dự hội nghị, phía Việt Nam có ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ trì hội nghị; đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, lãnh đạo tỉnh An Giang và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10 tỉnh có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia...

Phía Campuchia có ngài Hei Bavy, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia cùng chủ trì hội nghị; đại diện lãnh đạo Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia 10 tỉnh có chung đường biên giới với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia trong 55 năm qua, chúng ta có quyền tự hào khẳng định, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Trong từng bước tiến của hai nước, hai dân tộc hôm nay, đều có sự đóng góp tích cực của hai tổ chức Mặt trận vun đắp cho quan hệ đặc biệt Việt Nam-Campuchia ngày càng bền chặt và không ngừng đơm hoa kết trái.

[Minh chứng về tình hữu nghị trong sáng giữa Việt Nam và Campuchia]

Sau hơn 5 năm ký Thông cáo chung kết quả Hội nghị quốc tế về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị Việt Nam-Campuchia năm 2017 tại tỉnh Kampot, Vương quốc Campuchia, các nội dung được triển khai, thực hiện ngày càng rộng rãi ở các cấp, có hiệu quả thiết thực, nhất là ở các tỉnh có chung đường biên giới, đáp ứng mong muốn chung của nhân dân hai nước.

Nội dung hợp tác ngày càng thực chất, sâu rộng, hiệu quả và không ngừng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

Hội nghị quốc tế lần thứ 6 năm 2022 được tổ chức nhằm tổng kết công tác mặt trận hai nước Việt Nam-Campuchia và tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa hai mặt trận Campuchia-Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Tiến Châu khẳng định, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia đã, đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Trong từng bước tiến của hai nước, hai dân tộc hôm nay, đều có sự đóng góp tích cực của hai tổ chức Mặt trận vun đắp cho quan hệ đặc biệt Việt Nam-Campuchia ngày càng bền chặt và không ngừng đơm hoa kết trái.

Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị ảnh 2Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

"Thời gian tới hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu và tích cực phối hợp trong việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia trong các thời kỳ chiến tranh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung các văn kiện pháp lý về biên giới giữa hai nước tới mọi tầng lớp nhân dân, nhằm tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc 16% đoạn biên giới còn lại.

Hai bên tiếp tục vận động, khuyến khích, làm cầu nối cho các doanh nghiệp, doanh nhân hai nước đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, khu kinh tế, trung tâm thương mại tại các cửa khẩu, lối mở, các công trình phát triển kinh tế-xã hội, phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân của hai nước," ông Lê Tiến Châu đề nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ngài Hei Bavy nhấn mạnh Campuchia và Việt Nam là hai nước láng giềng có đường biên giới tiếp giáp kéo dài 10 tỉnh của phía Việt Nam và 10 tỉnh của Campuchia, hai nước có truyền thống gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử. 

“Sau 55 năm, quan hệ hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào sự ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á. Hai nước đã duy trì, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai nước trên cả kênh Đảng, Chính phủ và Mặt trận, tăng cường trao đổi, thăm hỏi, gặp gỡ, duy trì quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cấp,” ngài Hei Bavy cho biết.

Ngài Hei Bavy cũng khẳng định với truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác trên mọi lĩnh vực, cũng như sự giúp đỡ nhau có hiệu quả, kịp thời, 55 năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân hai nước luôn luôn giữ vững niềm tin mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp này là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của hai nước Việt Nam-Campuchia trong tương lai.

Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia (gọi tắt là hai bên) đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và thống nhất Thông cáo chung kết quả Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển lần thứ 6, năm 2022.

Thông cáo chung nêu rõ, hai bên tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên của hai nước hiểu biết sâu sắc hơn và tự hào về lịch sử quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia; tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nhân dân khu vực biên giới cảnh giác, phát hiện. ngăn chặn kịp thời những âm mưu, hành động phá hoại, gây mất ổn định của các phần tử xấu, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Hai bên tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung của hai văn kiện pháp lý (ký năm 2019) ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới giữa hai nước và công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã được ký kết tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia nhằm tạo luận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc 16% đường biên giới còn lại.

Nội dung thông cáo chung nêu rõ, hai bên phối hợp với các cơ quan chức năng của mỗi bên tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trong công tác giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới; đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên biên giới, an ninh phi truyền thống như buôn lậu, mua bán người, xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do và kết hôn không giá thú; đồng thời nắm bắt tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh.

Hai bên tiếp tục xây dựng tổ chức Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới, trong đó đặc biệt quan tâm việc xây dựng các khu dân cư, thôn, bản đảm bảo an ninh trật tự; phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc; phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo; chăm lo việc học tập của trẻ em trong độ tuổi đến trường; khắc phục tình trạng mê tín, cúng bái khi ốm đau, không để người ốm không được đến các cơ sở y tế thăm khám, chữa bệnh.

Hai bên kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, chế biến, góp phần phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, tạo việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định cho nhân dân khu vực biên giới của hai nước; tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh các mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, cơ chế chính sách và triển khai các biện pháp tạo môi trường thông thoáng thu hút mạnh mẽ hơn nữa doanh nghiệp của hai bên khu vực biên giới.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Mặt trận 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Campuchia có chung đường biên giới giữa hai nước đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và thống nhất ký kết Bản Giao ước thi đua. Nội dung Giao ước cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân khu vực giáp biên; hướng dẫn nhân dân khu vực biên giới tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo vệ các đài hữu nghị, mốc giới quốc gia, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hòa bình, ổn định khu vực biên giới và hàng năm, Mặt trận 10 tỉnh giáp biên của hai nước tổ chức các đoàn đại biểu thăm, trao đổi kinh nghiệm công tác Mặt trận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục