Xây dựng đô thị Thủ đô: Bài 4 - Quyết vươn tầm mạnh mẽ

Thành phố Hà Nội đang đặt ra một quyết tâm lớn, đó là "xây dựng chính quyền năng động và hành động" để vươn lên mạnh mẽ, sánh vai với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đô thị Hà Nội đoàn đầu đường vành đai 2 Minh Khai-Cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/Vietnam+)

Dù Hà Nội còn không ít bất cập trong vấn đề trật tự, văn minh đô thị, nhưng thời gian qua, bằng những nỗ lực, cách làm sáng tạo, ở một số địa phương Thủ đô đã cải thiện đáng kể, tạo nếp sống văn minh đô thị lành mạnh và dần đi vào nề nếp.

Rõ ràng, chất lượng sống ở đó cũng văn minh và được hưởng các lợi ích, hạ tầng tốt hơn. Hà Nội đang đặt ra một quyết tâm lớn, đó là "xây dựng chính quyền năng động và hành động."

Thay đổi từ ý thức

Bên ly trà nóng pha vội, ông Nguyễn Cao Viết, du khách đến từ Thái Bình chia sẻ, Hà Nội hôm nay khác nhiều lắm. Sau 30 năm đổi mới, Thủ đô đã có một sắc diện mới, tầm vóc và bề thế hơn.

Không chỉ những quận nội thành có những đổi thay kỳ diệu với hàng trăm tòa nhà cao tầng đã được dựng xây, mà còn là các quận ngoại thành đang có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, những khu đô thị mới xanh, sạch, đẹp đã và đang dần hiện hữu trên những mảnh ruộng trù phú ngày nào.

Đúng vậy, là quận mới thành lập, Long Biên đã xây dựng một đô thị hiện đại, với hệ thống đường giao thông to rộng, thông thoáng, kết nối với các khu dân cư hiện có một cách thuận lợi. Về công sở, các phòng, ban chuyên môn của quận đã không còn tình trạng tách rời, rải ra mỗi nơi một chỗ mà quy về một trụ sở chung, tiện lợi cho công dân đến giao dịch.

Nói về công tác quản lý trật tự trên địa bàn, một cán bộ quản lý đô thị quận Long Biên cho biết: "Chúng tôi công khai quy hoạch cũng như công khai cả việc xử lý sai phạm tới tận khu dân cư, để dân biết, dân bàn sau đó mới triển khai xử lý theo quy định."

Đô thị Hà Nội phía Tây, đường Võ Chí Công. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/Vietnam+)

Còn tại một số quận như Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, một số sinh viên và người dân đã có ý tưởng “biến bãi rác thành vườn hoa,” tạo sinh khí mới cho đường phố Thủ đô. Quan trọng hơn là qua mô hình trên, giúp người dân có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường sống đô thị văn minh, sạch đẹp hơn.

Hay như ở quận Cầu Giấy, người dân đã bỏ tiền túi ra làm con đường gốm sứ để tô điểm cho con phố của mình.

Bà Nguyễn Thị Bắc (57 tuổi, trú tại tổ dân phố 28, P.Dịch Vọng Hậu), người đưa ra ý tưởng xây dựng con đường gốm sứ này, cho biết: “Một bức tường rộng, kéo dài hơn 200m, nếu không được cải tạo cho đẹp, phù hợp thì sẽ biến thành nơi dán quảng cáo, dán tờ rơi. Từ suy nghĩ này, ban đầu tôi cùng một số hàng xóm lấy ý tưởng trồng hàng trúc dài trước nhà, nhưng sau khi tính toán lại, thì làm tranh gốm gắn lên tường là hợp lý hơn cả.”

Theo các hộ dân tại tổ dân phố 28, sau khi họp bàn, khu dân cư thống nhất tự đóng kinh phí, tự thiết kế các bức tranh gốm và thuê thợ về thi công.

“Diện tích tường trước cửa nhà của mỗi hộ sẽ được phép chọn lựa khung cảnh, thiết kế trên bức tường, nhưng tất cả phải cùng một màu sắc để đồng bộ, giúp bức tường đẹp hơn,” bà Bắc nói.

Ngược về Bờ Hồ, từ vài tháng nay chúng ta thấy bên cạnh những xe cơ giới quét hút rác tự động, (thay thế lao công), còn xuất hiện những người công nhân của công ty vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội đạp xe quanh hồ, cùng một số tuyến phố lân cận để nhặt từng mẩu rác vương vãi.

Cùng với đó, Công ty môi trường đô thị Hà Nội, phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, thực hiện ký cam kết với người dân về đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, đã đến lúc không dừng lại ở tuyên truyền nhắc nhở giữ vệ sinh nữa mà thực hiện phạt đối với những người vi phạm. Đối với cán bộ phường, quận sẽ thực hiện theo dõi giám sát, nếu phường nào trên địa bàn để rác bẩn sẽ tiến hành thuyên chuyển, khiển trách cán bộ phụ trách môi trường, tránh tình trạng đổ lỗi trách nhiệm chung.

Hồ Gươm xanh sạch đẹp. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/Vietnam+)

Từ mô hình của Hoàn Kiếm, hiện nay cả 4 quận nội thành đều thực hiện, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, góp phần làm cho đường phố Thủ đô xanh, sạch đẹp hơn. Quy trình thu gom, vận chuyển rác cũng thay đổi theo hình thức “4 kín.”

Với sắc diện mới

Tiến sỹ-kiến trúc sư Jan Gehl-tác giả cuốn sách “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc” đã thốt lên: "Diện mạo Hà Nội vụt sáng theo cả chiểu rộng lẫn chiều cao,” khi nhắc đến sự đổi thay của Hà Nội sau nhiều năm nghiên cứu.

Và quả thực vậy, nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô trong 30 năm đổi mới sẽ thấy những đổi thay nhanh chóng, phát triển toàn diện và bền vững.

Điển hình là việc xây dựng đường vành đai 3 và đường cao tốc trên cao (đi trên đường vành đai 3) khi đưa vào sử dụng giải quyết rất lớn lưu lượng xe tải, xe con và xe khách.

Vận chuyển hàng hóa, hành khách vào địa bàn Hà Nội không phải đi vào nội đô và tuyến đường này có thể đến bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, sân bay Nội Bài và là đầu nối đi các tỉnh phía Bắc…

Còn ở nội đô, các tuyến đường xuyên tâm được điểm xuyết với những cây cầu vượt nhẹ, giải tỏa ách tắc giao thông vào giờ cao điểm tại những khu đông dân cư như một số cầu vượt ở những ngã tư luôn xảy ra ùn tắc trầm trọng như Chùa Bộc-Tây Sơn, Láng Hạ-Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh-Láng, Bạch Mai-Đại Cồ Việt…

Cùng với đó, các khu đô thị, trung tâm thương mại-văn hóa-thể thao-dịch vụ khách sạn,…đã và đang được hình thành, nổi bật như Trung Hòa-Nhân Chính, Linh Đàm, Royal City, Time City, Tòa nhà Lotte, Keng Nam, Nhà ga T2 sân bay Nội Bài, các công viên: Yên Sở-giai đoạn 1, Yên Hòa-Cầu Giấy, Bắc Mai Dịch…; cùng với các công trình giao thông quan trọng, đầu mối được đầu tư mở rộng, đưa vào sử dụng đã tạo nên sự thay đổi lớn về hình ảnh đô thị, kích thích sự phát triển của Thủ đô.

Đáng chú ý, Hà Nội hiện đã thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung được 98% chất thải rắn ở 12 quận và thị xã, 89% chất thải rắn ở 17 huyện ngoại thành; hoàn thành xử lý khoảng trên 150 điểm úng ngập mùa mưa và cơ bản xoá bỏ được tình trạng xây dựng không phép...

Quyết tâm vào cuộc

Mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ, cũng như hằng năm, thành phố Hà Nội đều đưa vào Nghị quyết và đề ra các mục tiêu, chương trình hành động lớn để tập trung chỉ đạo về trật tự, văn minh đô thị nhằm xây dựng một bộ mặt Thủ đô xứng tầm.

Hà Nội cũng đã kiên quyết xử lý nhiều cán bộ vi phạm, cũng như xử phạt nhiều trường hợp không chấp hành quy định và cưỡng chế giải tỏa, tháo dỡ hàng ngàn ngôi nhà xây dựng trái phép.

Tuy nhiên, theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong phát triển đô thị cho thấy “Hà Nội phải đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, đó là nền tảng của đô thị.” Nhiều nhà chiến lược đô thị cũng khẳng định “đầu tư cho hệ thống này là cho phát triển, cho mai sau.”

Với Hà Nội, mai sau có lẽ khó khăn hơn nhiều, bởi nhìn chung, chúng ta vẫn chưa chống đỡ nổi các khủng hoảng hiện tại (do vốn, kỹ thuật, nhân lực) nếu không có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực sống còn của đô thị - Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, theo đó, trong giai đoạn này, định hướng giao thông công cộng sẽ là một trong những giải pháp cơ bản để giải quyết những tồn tồn tại, bất cập trong lĩnh vực giao thông.

Hà Nội xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu, trật tự văn minh, phố Lê Trọng Tấn. (Ảnh Huy Hùng/Vietnam+)

Định hướng đến 2020, Hà Nội sẽ cố gắng đưa thị phần vận tải công cộng từ 12% như hiện nay lên khoảng 35%, lên tới 50-55% vào năm 2030 và 65-70% vào năm 2050.

Hà Nội cũng sẽ khai thác các không gian ngầm, không gian trên cao để tạo quỹ đất dành cho giao thông chiếm từ 20-26% diện tích. Song, giải pháp đột phá trước mắt vẫn là giải quyết ùn tắc giao thông và xây dựng các cây cầu vượt nhằm giải quyết giao thông ùn tắc tại các ngã ba, ngã tư.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nêu lên quyết tâm và bằng nhiều biện pháp song hành để thay đổi bộ mặt đô thị Hà Nội. Trong đó, thông điệp kêu gọi hành động, chuyển động mạnh mẽ từ bộ máy chính quyền, từ công bộc của nhân dân.

Đặc biệt, trong khi kinh phí và ngân sách eo hẹp, thành phố đang ưu tiên tối đa cho việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Các doanh nghiệp muốn vào Thủ đô đều được tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhưng cũng phải đem lại lợi ích cho thành phố, trên tinh thần hai bên đều có lợi.

Hà Nội đang hết sức chú trọng thu hút vào lĩnh vực đầu tư sạch, vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, phục vụ an sinh xã hội, vui chơi giải trí…

Song hành với sự quyết liệt của chính quyền thì điều quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân. Muốn vậy, thì trước tiên phải xây dựng “chính quyền liêm chính, chính quyền hành động,” xử lý sai phạm phải nghiêm minh, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, để người dân “tâm phục, khẩu phục” tuân theo, tránh tình trạng so bì, ỷ lại.

Trong phong trào "Xây dựng người Thủ đô văn minh, thanh lịch" phải thực chất, phải có những phong trào hấp dẫn, truyền cảm, không mang tính hình thức, hô hào và phải thực sự lan truyền đến đối tượng rất quan trọng, đó là những người tỉnh ngoài nhập cư.

Xin đươc mượn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải để kết thúc: "Với niềm tự hào là trung tâm, trái tim của cả nước, các cấp chính quyền, nhân dân Hà Nội đang nỗ lực từng ngày thay đổi hình ảnh để vươn lên một cách mạnh mẽ sánh vai với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp lại lòng tin yêu của nhân dân cả nước"./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục