'Xây dựng đô thị thông minh phù hợp thực tiễn và có bản sắc riêng'

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam sẽ theo 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh và thực hiện các dịch vụ, các tiện ích đô thị trên nền tảng CNTT, cơ sở dữ liệu lớn...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cách đây hơn 1 năm, chủ trương phát triển đô thị thông minh đã được Việt Nam chính thức đưa vào Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư."

Bộ Xây dựng được giao thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Phát triển đô thị thông minh là một trong những chiến lược quan trọng tại Việt Nam. Vậy với ngành xây dựng, tầm nhìn này được thực hiện như thế nào cho đến năm 2030, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức tích cực. Chúng ta đã có được hệ thống đô thị quốc gia, được phân bổ tương đối hợp lý, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hiện đại hơn, chất lượng hạ tầng-hạ tầng xã hội, dịch vụ và chất lượng sống của cư dân đô thị cũng được cải thiện rõ rệt.

Các đô thị đã thể hiện được vai trò, động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của các địa phương, các vùng và của cả nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị đã bộc lộ những hạn chế, những bất cập lớn như thiếu bền vững, chưa thực sự gắn kết với quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, nhất là hiện đại hóa công nghiệp và phát triển nông thôn.

[Xây dựng TP.HCM thành đại đô thị thông minh, đẳng cấp quốc tế]

Việc phát triển còn thiếu tính kết nối, thiếu bản sắc; tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng, tắc nghẽn giao thông trong đô thị cũng diễn ra thường xuyên và phức tạp. Đây là những thách thức rất lớn cần được xử lý hiệu quả trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia, cũng như quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia trong thời gian tới. Sẽ có nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thiết thực, khả thi; trong đó có nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh.

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam sẽ theo 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh và thực hiện các dịch vụ, các tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin-cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn và giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thời gian tới, phát triển đô thị thông minh là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, tận dụng được cơ hội, thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như phù hợp với thực tế phát triển của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đề án Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn tới năm 2030 tập trung vào một số vấn đề lớn: xây dựng nền tảng pháp lý cho phát triển đô thị thông minh; xây dựng công cụ quản lý, định chế như khung hướng dẫn, tiêu chí và đánh giá đô thị thông minh của các đô thị; xây dựng các quy chế, các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về quy hoạch, về xây dựng các công trình thông minh trong đô thị.

Cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, Trung ương và địa phương cần được xây dựng để đảm bảo điều phối, dẫn dắt, định hướng phát triển đô thị trong cả nước một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, từ đó tránh lãng phí, phân tán tài nguyên và các nguồn lực; góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 cũng như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 10 năm (2021-2030).

- Thưa Bộ Trưởng, liệu các đô thị thông minh có phải là chiến lược để giải quyết những bất cập trong quá trình phát triển đô thị. Giai đoạn 2030, Việt Nam có thể phát triển đô thị thông minh theo hướng nào để phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thực tế?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Hiện nhiều địa phương, đô thị rất quan tâm và nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng và tác dụng của phát triển đô thị thông minh trong chiến lược phát triển đô thị bền vững; thậm chí đã tham khảo, vận dụng những kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Đề án Phát triển đô thị thông minh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những cách hiểu chưa thực sự toàn diện, thống nhất về một số lĩnh vực như chỉ nặng về công nghệ thông tin, số hóa trong phát triển đô thị thông minh mà chưa nhận thực được đầy đủ, toàn diện những hợp phần cần có để phát triển đồng bộ.

Từ nay tới năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam hỗ trợ, tập trung những nguồn lực và hướng dẫn để xây dựng 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế; sau đó nhân rộng để phát triển toàn diện đô thị thông minh tại Việt Nam.

Cùng đó, hành lang pháp lý cũng đang tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong phát triển đô thị thông minh.

- Theo Bộ trưởng, mô hình đô thị thông minh ở Việt Nam sẽ có đặc thù gì khác biệt so với những quốc gia trên thế giới?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Trong quá trình xây dựng Đề án Phát triển đô thị thông minh của Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước cũng như nghiên cứu xu hướng, định hướng của các mô hình, từ đó tìm tòi, chọn lọc, tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế phát triển của đất nước nhưng cũng phải có bản sắc riêng.

Kinh nghiệm hiện nay của quốc tế chưa đề cập tới lĩnh vực quy hoạch và xây dựng thành phố, đô thị một cách thông minh. Tôi cho rằng đây là nền tảng rất căn cốt. Phải dựa trên một nền tảng đô thị có sẵn, hiện hữu thì mới có thể tiến hành các giải pháp thông minh cho việc tổ chức quản lý và phát triển đô thị đó. Đây là một phát triển mới, đặc điểm mới của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam chú trọng thực hiện đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu lớn. Đây cũng là công nghệ để đối phó với những thách thức của xã hội phát triển. Đó là phát triển xã hội, một cộng đồng đô thị hài hòa, có bản sắc hướng thiện và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hiện, nhiều thành phố, đô thị, tổ chức bắt đầu xuất hiện sáng kiến và nghiên cứu theo hướng tránh lạm dụng thành tựu kỹ thuật cũng như thành tựu khoa học trong tổ chức đời sống của dân cư đô thị; tránh việc "robot hóa" hạn chế tiếp xúc kết nối giữa cộng đồng dân cư.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục