Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình chuyển đổi số với những lộ trình cụ thể nhằm chuyển dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh. Nhiều công nghệ đã và đang được triển khai, hướng tới mục tiêu là ngày càng phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Công nghệ làm nền tảng
Trong Bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành phố Hồ Chí Minh vượt từ vị trí số 7 lên vị trí thứ 5 trong số 63 tỉnh thành và thành phố thuộc Trung ương.
Để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, thành phố đã triển khai thành lập Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số thành phố (DXCenter), cùng với đó là tổ chức nhiều hoạt động liên quan như Hội thi thử thách Trí tuệ nhân tạo (AI), Diễn đàn công nghệ số thúc đẩy sự phát triển của thành phố, Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo...
Thành phố cũng đã triển khai thực hiện hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong đại dịch.
Hiện thành phố đang triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh tại các quận huyện, cùng với đó các sở ngành cũng tổ chức nghiên cứu, triển khai các hệ thống, ứng dụng hoặc trung tâm chỉ huy, điều hành chuyên ngành…
Nhiều chương trình được triển khai như Chương trình chuyển đổi số; nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin-truyền thông 2020-2030 với mong muốn phát triển doanh nghiệp số và kinh tế số để đưa tỷ trọng kinh tế số thành phố chiếm 20% GRDP; Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020-2030...
Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, với chương trình chuyển đổi số, thành phố sẽ chuyển dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh.
Thành phố xác định phải đổi mới tư duy và nhận thức; phát triển hạ tầng số trong đó tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT); nghiên cứu thành lập Trung tâm điều hành chỉ huy tích hợp dựa trên Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
[Xây dựng đô thị thông minh ở TP Hồ Chí Minh: Dấu ấn trong tâm dịch]
Thành phố đang tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân, giữa người dân với chính quyền.
Thành phố cũng đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, chuyển đổi số các ngành lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục...
Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.
Ông Lê Quốc Cường cho biết thành phố sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, với mong muốn trở thành trung tâm công nghệ tài chính cả nước, sắp tới thành phố cũng sẽ triển khai hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.
Bước vào năm 2022, thành phố xác định kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp, khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển.
Chuyển đổi số toàn diện
Thực tiễn cho thấy tổng thể kinh tế thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Lãnh đạo thành phố đã chỉ rõ ba vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm là quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành việc quản trị; từ đổi mới quản trị và tìm ra những động lực cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh sẽ tiếp tục bám sát các yêu cầu phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị thành phố, sản xuất kinh doanh và tổ chức xã hội.
Việc chuyển đổi số toàn diện góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành đồng thời và hài hòa giữa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch.
Một trong các giải pháp rất quan trọng để đạt mục tiêu trên là triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ, khai thác Kho dữ liệu dùng chung trong phòng chống, dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Kho dữ liệu dùng chung được triển khai dựa trên ba dữ liệu nền tảng: dữ liệu người dân, dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu đất đai.
“Trước tiên phải xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng này, đồng thời tích hợp, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động, vận hành quản trị, phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế," ông Thắng nhấn mạnh.
Trong năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) - nhất là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở. Đây là những dữ liệu quan trọng phục vụ hoạt động, vận hành quản trị thành phố và đời sống nhân dân.
Thành phố cũng sẽ hình thành Kho dữ liệu thông tin quản lý tổng hợp MIS-TP.HCM và Triển khai hệ thống thông tin theo dõi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động thống kê, dự báo kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2020-2025; tích hợp hoàn chỉnh dữ liệu hành chính có liên quan trong các ngành, lĩnh vực.
Song song đó, thành phố tiếp tục phát triển dữ liệu mở (open data) để người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực chuyển đổi số” tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị công cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích cần mở cửa cho các công ty công nghệ khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi họ có thể cung cấp được giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi số, hơn là giao riêng cho các nhà cung cấp truyền thống.
Theo bà Trần Thị Lan Hương, các chính phủ có thể tạo điều kiện và hưởng lợi từ các công ty công nghệ khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế số thông qua việc đấu thầu trực tiếp công khai; thỏa thuận hợp đồng phụ hoặc hợp tác với các nhà cung cấp lớn hơn hoặc thông qua nguồn cung ứng cộng đồng, hợp tác nguồn mở.
Thành phố Hồ Chí Minh có khát vọng thực hiện nhanh, hiệu quả trong chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng sống người dân, vì hạnh phúc nhân dân.
Với tinh thần đó, các cơ quan đơn vị của thành phố đã và đang quyết tâm đổi mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững./.