Ngành du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, có mối quan hệ gắn kết với nhiều ngành nghề, lĩnh vực và địa phương, nên phát triển hoạt động liên kết hợp tác du lịch sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị dịch vụ khác và kinh tế địa phương.
Trong bối cảnh thị trường nội địa đang là cơ hội hàng đầu của ngành du lịch thì yêu cầu kết nối địa phương, quảng bá hình ảnh đất nước cần được ưu tiên triển khai nhanh và đồng bộ liên vùng. Trên cơ sở đó, ngành du lịch sẽ tận dụng được cơ hội xây dựng chuỗi cung ứng cho thị trường nội địa và thu hút khách du lịch trong nước, góp phần vực dậy ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Gõ cửa thị trường nội địa
Nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam phục hồi trong điều kiện bình thường mới, sau khi dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam."
Đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đều đăng ký tham gia, hưởng ứng chương tình này; đồng thời nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch được ký kết, triển khai như Liên kết Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; Thành phố Hồ Chí Minh với 6 tỉnh Đông Nam Bộ...
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cụ thể là sự chủ động của Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần tạo nên thành công bước đầu cho Chương trình kích cầu du lịch nội địa "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam."
Cùng với đó, hầu hết các khu, điểm du lịch đã mở cửa đón khách và các đường bay nội địa trở lại hoạt động bình thường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp du lịch sẵn sàng giới thiệu đa dạng sản phẩm, dịch vụ mới với những chính sách khuyến mãi hấp dẫn.
[Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng liên kết du lịch vùng]
Để tiếp tục từng bước khôi phục thị trường du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020 với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn."
Chương trình kích cầu du lịch trong thời gian tới sẽ mở rộng phạm vi đối tượng, không chỉ hướng đến người Việt, mà bao gồm cả người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam.
Cụ thể, ở giai đoạn này, ngành du lịch chú trọng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf, du lịch MICE... Ở góc độ địa phương, ngành phát huy vai trò của các liên minh kích cầu du lịch giữa địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và hãng hàng không.
Hiện nay, muốn du khách an tâm tham gia chương trình du lịch thì ngành du lịch cần đảm bảo an toàn tại điểm đến, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch...
Bên cạnh yếu tố an toàn, để chương trình kích cầu du lịch hiệu quả cũng cần có sự chủ động của cơ quan quản lý, doanh nghiệp tạo nên sự liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Điển hình, doanh nghiệp đổi mới sáng tạp, hình thành sản phẩm, dịch vụ mới, chất lượng, giá cả hấp dẫn, nhất là xây dựng chính sách hoàn-hủy-hoán đổi linh hoạt, bảo đảo quyền lợi của khách du lịch.
Liên quan đến an toàn du lịch trong kết nối địa phương, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Sở Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Hiệp hội Du lịch các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) đã xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trong tình hình mới và ký cam kết xây dựng liên minh du lịch an toàn.
Các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện nghiêm túc tiêu chí an toàn phòng dịch theo quy chuẩn và hướng dẫn của Bộ Y tế trong quá trình tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ du khách…
"Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, nên hoạt động du lịch phát triển sẽ tạo ra động lực kéo theo chuỗi giá trị dịch vụ hàng không, vận chuyển, mua sắm, ăn uống... đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương. Sự hồi phục du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có có tác động lan tỏa, kích thích du lịch của các tỉnh, thành phố lân cận, cũng như các liên minh, liên kết vùng đã hình thành. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần khẳng định vị thế đầu mối phân phối khách và phát huy các liên minh, liên kết du lịch an toàn, tạo ra chuỗi sản phẩm độc đáo thúc đẩy quá trình hồi phục du lịch Việt Nam," bà Nguyễn Thị Khánh chia sẻ thêm.
Liên kết hợp tác "đa phương"
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp nối những kết quả đạt được từ Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; Đông Nam Bộ, sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc mở rộng; vùng Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Các chương trình này, đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của các vùng.
Với bối cảnh ngành du lịch toàn cầu chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, những giải pháp đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch vùng đã và đang phát huy hiệu quả trong tái khởi động hoạt động thị trường du lịch, quảng bá du lịch nội địa, thúc đẩy người dân đi du lịch trong nước.
Bên cạnh đó, hợp tác du lịch vùng còn là công cụ xây dựng thị trường du lịch trong nước bền vững và là tiền đề để tạo ra đa dạng sản phẩm liên kết vùng đặc sắc, có chất lượng nhằm chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế quay trở lại sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn.
Thông qua chương trình liên kết hợp tác, các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực...
Đặc biệt, nhiều địa phương sẽ được tạo điều kiện phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch để tăng tỉ lệ khách du lịch, chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. Đồng thời, các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.
Nhận định về xu hướng hợp tác mới trong phát triển du lịch hiện nay, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, trong thời gian qua, sự chuyển đổi liên kết du lịch từ hình thức song phương sang đa phương, bước đầu cho thấy hiệu quả trong phát triển du lịch bền vững cho nhiều địa phương.
Cụ thể, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua các chương trình liên kết đã khai thác những tour tuyến mới và hoàn thiện hơn mô hình để phục vụ du khách. Còn ở góc độ địa phương, nhiều sở, ngành đã ghi nhận kết quả tích cực từ hoạt động liên kết, nhất là sản phẩm, dịch vụ có thị trường tiêu thụ và thu hút được du khách.
Từ đó, nguồn thu của doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú... được từng bước cải thiện, tăng lên và phát triển thị trường nội địa bằng việc khai thác văn hóa bản địa, tiềm năng du lịch địa phương. Kết quả này đạt được là do sau khi ký kết thỏa thuận liên kết, các đơn vị phải khẩn trương xây dựng sản phẩm, dịch vụ để hiện thực hóa những hoạt động liên kết.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực thực hiện đa dạng Chương trình liên kết, kích cầu du lịch cho những tháng cuối năm, không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các điểm đến, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, mà còn chung tay cùng các địa phương phục hồi thị trường du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Những hoạt động này vừa tạo nên chuỗi liên kết sản phẩm, dịch vụ du lịch mang tính vùng, vừa ý nghĩa thiết thực hơn khi khuyến khích người dân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, học sinh-sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh du lịch tại chỗ và khám phá những điểm đến trên cả nước vào dịp cuối năm, cũng như trong thời gian tới./.
Xây dựng diện mạo mới cho du lịch: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ