Xây dựng đảo Lý Sơn trở thành một hòn đảo xanh-sạch-đẹp

Mới đây, huyện Lý Sơn đã ra Chỉ thị về việc giảm thiểu, tiến đến không sử dụng túi nilon, góp phần cải thiện môi trường trên đảo.
Lý Sơn đang đứng trước cơ hội để cả thế giới chiêm ngưỡng, vinh danh là Công viên địa chất toàn cầu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Để từng bước xây dựng đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trở thành hòn đảo xanh-sạch-đẹp, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực làm cho Lý Sơn ngày càng sạch hơn.

Đáng chú ý, mới đây, huyện Lý Sơn đã ra Chỉ thị về việc giảm thiểu, tiến đến không sử dụng túi nilon, góp phần cải thiện môi trường trên đảo.

Sử dụng túi nilon trong cuộc sống thường ngày là thói quen của nhiều người dân Việt nói chung và người dân Lý Sơn nói riêng. Trên chuyến tàu cao tốc ra đảo, dễ bắt gặp nhiều người dân, du khách sử dụng túi nilon sau đó vứt ngay xuống biển. Hành động này đã làm ảnh hưởng xấu đến động, thực vật biển.

Bên cạnh đó, người dân, khách du lịch thường có thói quen sử dụng túi nilon để trao đổi, mua bán các sản phẩm trên đảo. Chị Phạm Thị Minh, người dân xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết trước kia, người dân đi chợ còn mang giỏ xách, hiện nay mọi người chủ yếu bỏ vào túi nilon cho tiện.

Đảo bé An Bình được chọn là xã điểm không sử dụng túi nilon trên đảo Lý Sơn. Đảo An Bình có diện tích gần 1km2 với khoảng 500 người dân. Đây cũng là hòn đảo có nhiều du khách đến tham quan. Do diện tích nhỏ, dân cư ít nên nếu vận động được người dân, du khách không sử dụng túi nilon, mọi người ở đảo lớn mới thấy được lợi ích và làm theo.

[Xây dựng Lý Sơn-Bình Châu thành Công viên địa chất toàn cầu]

Để thực hiện tốt Chỉ thị trên, huyện đảo Lý Sơn đang tập trung tuyên truyền, kêu gọi người dân và du khách trên đảo giảm thiểu sử dụng túi nilon, tiến tới nói không với túi nilon.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn, cho biết để đảo Lý Sơn trở thành hòn đảo không túi nilon, huyện đang tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các khách sạn, nhà nghỉ, quầy hàng, cửa hiệu, chợ... nâng cao ý thức của người dân, du khách về bảo vệ môi trường, cụ thể là hạn chế sử dụng túi nilon, vứt rác thải ra môi trường trên đảo. Huyện đã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chịu trách nhiệm tìm kiếm các loại túi thân thiện với môi trường để người sử dụng thay thế túi nilon.

“Thời gian qua, nhiều đơn vị, tổ chức ra quân thu gom rác thải, phát các loại túi thân thiện với môi trường cho người dân trên đảo. Tuy nhiên, sử dụng túi nilon đã trở thành thói quen của nhiều người. Để thực hiện thành công mô hình này rất cần sự quyết tâm, cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và du khách,” bà Phạm Thị Hương nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục