Xây dựng đạo đức văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam

Chiều 15/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW.
Xây dựng đạo đức văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Quỳnh/TTXVN)

Chiều 15/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 09).

Buổi làm việc hướng tới tập hợp các đề xuất, kiến nghị từ doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và VCCI về những giải pháp, cách thức phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng tăng trưởng về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 09 Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, song song với việc tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước, đội ngũ doanh nhân đang tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng; có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên nhiều phương diện.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nếu chỉ tính các hộ kinh doanh có mã số thuế, đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã có gần 4 triệu doanh nhân. Còn nếu xét cả các hộ kinh doanh không có mã số thuế, cả nước hiện đã có hơn 7 triệu doanh nhân.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tạo đột phá trong sản kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...

[Thủ tướng: Doanh nhân giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết]

Trong năm 2021, dù cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn lớn bởi đại dịch COVID-19, nhưng bình quân một tháng, cả nước có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Khi đất nước ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tác động bất lợi từ bối cảnh quốc tế, doanh nhân Việt Nam đã trở thành những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Một bộ phận đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng đã linh hoạt, chủ động, nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới, tìm kiếm những hướng đi mới từ những cơ hội do quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

"Những kết quả có được là nhờ các chủ trương, định hướng, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, mở cửa và hội nhập nói chung và phát triển doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng. Cùng với đó là những nỗ lực, cố gắng, tinh thần và ý chí phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam," Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh bày tỏ.

Từ thực tế đó, văn kiện Đại hội Đảng XIII đã khẳng định: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi."

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Đại diện tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn; trong đó, đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh cũng ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.

Xây dựng đạo đức văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ảnh 2Các sản phẩm của Công ty Cổ phần HAPLAST được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Canada... (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng tăng trưởng mạnh. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước lũy kế đến hết năm 2021 là gần 1,7 triệu doanh nghiệp; trong đó, chỉ tính trong 11 năm. Từ năm 2011 đến 2021 đã có hơn 1,1 triệu doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001-2011. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn này có gần 105.000 doanh nghiệp được thành lập.

Cùng với sự tăng trưởng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn trong các doanh nghiệp này cũng tăng lên trong giai đoạn 2011-2021, đạt hơn 11.655 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt xấp xỉ 1.060.000 tỷ đồng (tăng 12,11%/năm). Số lao động đăng ký trong doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm có hơn 1,1 triệu lao động.

Tình hình phát triển doanh nghiệp đang hoạt động cũng có những tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp hoạt động của cả nước tăng 3 lần từ khoảng 280.000 doanh nghiệp vào năm 2010, lên xấp xỉ 860.000 doanh nghiệp tính đến ngày 31/12/2021. Khu vực doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 14,7 triệu lao động (bình quân giai đoạn tăng 3,39%/năm). Tương tự, vốn và doanh thu thuần cũng tăng lên, lần lượt tăng 14,55%/năm và 11,47%/năm trong giai đoạn này. Quy mô bình quân doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng trưởng đáng kể.

Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, thể hiện trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa... hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; có trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với cộng đồng xã hội, đặc biệt qua dịch COVID-19 thể hiện rất rõ.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu VCCI cho hay vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết... Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân từ sự hạn chế về đạo đức doanh nhân.

Do đó, để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, VCCI mong muốn Đảng và Nhà nước có chủ trương, định hướng và quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân Việt Nam. Đảm bảo doanh nhân Việt Nam có văn hóa, văn minh ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc vào năm 2030 và 2045…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục