Xây dựng đại học đổi mới sáng tạo: Cần gỡ nhiều nút thắt từ cơ chế đến nhận thức

Trong khi trên thế giới, mô hình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong đại học đã được triển khai từ khoảng 50 năm trước thì Việt Nam mới đang ở bước khởi đầu và chỉ mang tính phong trào.

(Ảnh minh họa: TTXVN)
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong khi mô hình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong đại học đã được thế giới triển khai từ 50 năm trước thì đây vẫn là vấn đề rất mới ở các trường đại học Việt Nam. Theo các chuyên gia, cần gỡ rất nhiều nút thắt, từ cơ chế đến hỗ trợ về nguồn lực, thay đổi về tư duy mới có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học.

Đổi mới sáng tạo kiểu… phong trào

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, trên thế giới, các trường đại học đóng vai trò chủ chốt, tiên phong đi đầu trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi sáng tạo tri thức, từ đó ứng dụng mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội thông qua các cơ chế khác nhau với ba sứ mệnh chính: Đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học; chuyển giao tri thức, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo vào thực tiễn.

“Chính vì vậy, sự phát triển khoa học công nghệ trong các trường đại học là động lực thúc đẩy tăng trưởng, dẫn dắt sự phát triển của mỗi quốc gia,” ông Sơn nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học đã có bước chuyển tích cực về đổi mới sáng tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

“Điều này có nguyên nhân từ cơ chế chính sách và từ ý thức về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của chính các trường. Các trường mới chú trọng chủ yếu vào nhiệm vụ đào tạo, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp chưa được quan tâm đúng mức,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn chứng.

Đây cũng là chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch Mạng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam.

Theo ông Dũng, trong khi trên thế giới, mô hình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong đại học đã được triển khai từ khoảng 50 năm trước thì Việt Nam mới đang ở bước khởi đầu. Khoảng 90% các trường đại học Việt Nam hiện nay, các trung tâm đổi mới sáng tạo được thành lập trong trường đại học, đây là mô hình của thế giới phổ biến ở thập niên 80-90. Hiện các nước đã chuyển sang mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo bên ngoài trường hoặc chung cho nhiều trường.

Giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm tại Đại học Quốc gia Hà Nội.JPG
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa được quan tâm đúng mức trong các trường đại học. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Từ quan sát và trải nghiệm thực tế, ông Dũng cho hay đa phần trường đại học Việt Nam hiện nay mới dừng ở mức mong muốn tuyển sinh nhiều, thu học phí, nâng cao chất lượng đào tạo. Hoạt động đổi mới sáng tạo mới chỉ mang tính chất phong trào, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Các trường đại học, kể cả các trường tuyên bố là trường đổi mới sáng tạo nhưng vẫn chỉ dừng ở mức tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên, vỗ tay trao giải. “Đổi mới sáng tạo ở đa số các trường đại học Việt Nam mới chỉ là mỹ từ, chưa đúng thực tế. Đây là thực trạng đáng buồn,” ông Dũng chia sẻ.

Đây cũng là nhận định của ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường. Theo ông Thi, hiện các trường đại học mới tập trung vào mạng lưới sinh viên, khởi nghiệp người học, trong khi mạng lưới cựu sinh viên và các nhà khoa học lại chưa được chú trọng đúng mức, thậm chí là kết nối liên ngành, liên trường trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Cần thay đổi từ nhận thức đến cơ chế

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Chính phủ đã khẳng định đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá chiến lược nhưng đây cũng là nhiệm vụ mới nhất, khó nhất của các trường đại học bên cạnh các nhiệm vụ truyền thống là đào tạo và nghiên cứu.

Hiện các trường đang gặp nhiều khó khăn từ thể chế chính sách còn nhiều vướng mắc đến hạn chế về nguồn lực đầu tư, đội ngũ. Trong các năm qua, các công bố quốc tế của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng các sáng chế, giải pháp hữu ích để chuyển thành sản phẩm công nghiệp hay dịch vụ phục vụ cuộc sống còn ít.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng để giải quyết các vấn đề trên cần có sự kết nối giữa các bên, từ cơ quan quản lý Nhà nước để tạo cơ chế đột phá đến sự vào cuộc của các doanh nghiệp, của các trường đại học để cùng chia sẻ các nguồn lực.

Đây cũng là quan điểm của Tiến sỹ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo ông Quất, mô hình chia sẻ là con đường ngắn nhất và tiết kiệm chi phí.

Phân tích cụ thể hơn các rào cản thể chế, ông Quất cho hay Luật Viên chức hiện nay quy định cán bộ, giảng viên và lãnh đạo các trường không được tham gia vào doanh nghiệp. Luật pháp cũng quy định tài sản công không thể cho doanh nghiệp sử dụng, các kết quả nghiên cứu cũng là tài sản công và vì thế khó để đem ra góp vốn, chia sẻ, dùng chung. “Đây đang là những chiếc khóa. Kết quả nghiên cứu phải là tài sản chung để thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội chứ không phải chỉ cho một tổ chức. Mô hình chia sẻ thay thế mô hình sở hữu đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới,” ông Quất nói.

thuc_hanh.jpg.jpeg
Cần tháo gỡ nhiều nút thắt để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. (Ảnh: TTXVN)

Cũng theo ông Quất, một thách thức khác của việc thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu là tư duy của các nhà khoa học. Ông Quất cho rằng hiện các nhà khoa học vẫn muốn sử dụng riêng hoặc nhóm mình các kết quả nghiên cứu, muốn tự làm nhiều hơn là chia sẻ cùng bạn bè, doanh nghiệp, doanh nhân. “Nếu không có tư duy mở thì không thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo,” ông Quất nhấn mạnh.

Ông Quất cũng đề nghị các nhà khoa học cần chuyển hướng tư duy từ bán sản phẩm nghiên cứu sang “bán” năng lực nghiên cứu vì nghiên cứu cần xuất phát từ nhu cầu thực tế, từ yêu cầu của doanh nghiệp để có giá trị ứng dụng thực tiễn cao hơn, mang lại giá trị tích cực hơn cho xã hội.

“Một khó khăn nữa là vấn đề liên kết. Đây là thách thức chung của tất các nước, không chỉ riêng Việt Nam. Các bên phải khai thác nguồn lực chung của nhau để tạo giá trị mới,” ông Quất nói. Ông Quất cũng viện dẫn mô hình công viên khoa học của Thuỵ Sỹ với sự kết nối doanh nghiệp, nhà trường, chính phủ hay mô hình cảu Singapore với sự gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp với tính thực tế cao, mô hình của Hàn Quốc với sự kết nối giữa các trường đại học và quỹ đầu tư của chính phủ và doanh nghiệp…

Với 15 năm phụ trách lĩnh vực đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Trung Dũng cho rằng điều quan trọng là các trường đại học phải coi đổi mới sáng tạo thực sự là chiến lược của trường chứ không phải chỉ là hoạt động phong trào.

Cũng theo ông Dũng, các trường không thể đặt ra yêu cầu một năm các trung tâm đổi mới sáng tạo của trường mang về bao nhiêu tiền vì đây là “câu chuyện dài hơi” và các trung tâm phải hoạt động ở mức rất tốt mới có thể đem lại tài chính.

“Phải có tư duy hết sức mở về những gì đổi mới sáng tạo đem lại cho trường, đó là việc gia tăng những lợi ích gián tiếp trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, trong cải thiện thứ hạng của trường và tăng cường liên kết trong nước và quốc tế,” ông Dũng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục