Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã xây dựng Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá đây là đề án được chuẩn bị khá công phu, khoa học, chặt chẽ và có sự tham gia góp ý của nhiều ngành, lĩnh vực, chuyên gia.
Đề án bám sát chủ trương tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các định hướng về phát triển du lịch của Trung ương phù hợp với quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
[Hình ảnh du lịch Đà Nẵng phục hồi và phát triển mạnh mẽ]
Đề án đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Cụ thể, thành phố sẽ tập trung vào 12 định hướng phát triển lớn gồm định hướng không gian phát triển du lịch; định hướng phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; định hướng phát triển sản phẩm du lịch; định hướng phát triển thị trường du lịch; định hướng phát triển nguồn nhân lực; định hướng phát triển doanh nghiệp du lịch; định hướng phát triển nguồn lực đầu tư du lịch; định hướng về công tác xúc tiến và quảng bá du lịch; định hướng về liên kết, hợp tác phát triển du lịch; định hướng về chuyển đổi số; định hướng về quản lý rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, xử lý khủng hoảng; định hướng về tổ chức và quản lý du lịch.
Để đạt được các mục tiêu, định hướng của đề án thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung vào thực hiện 11 nhóm giải pháp gồm: giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; giải pháp hình thành văn hóa du lịch; giải pháp về xây dựng cơ chế chính sách để phát triển du lịch; giải pháp quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; giải pháp phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch; giải pháp về xúc tiến, quảng bá, phát triển thị trường du lịch; giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển du lịch; giải pháp khôi phục hoạt động du lịch hậu COVID-19./.