Xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm phát triển AI của cả nước

Đà Nẵng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển Trí tuệ Nhân tạo, từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của miền Trung và cả nước.
Xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm phát triển AI của cả nước ảnh 1Quang cảnh Hội thảo “Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam-Hàn Quốc 2023." (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử thành phố Đà Nẵng)

Ba thập kỷ qua đã chứng kiến những tiến triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc. Với dấu mốc hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai nước quyết tâm viết tiếp những chương hợp tác mới, cao hơn và sâu rộng hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là 1 trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng dự án và vốn đầu tư cao nhất vào Đà Nẵng với 268 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 362 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố. Trong đó, phần lớn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất (40%), dịch vụ (36%).

Nhằm thực hiện hóa phương châm đưa quan hệ hai nước phát triển trên tất cả các lĩnh vực, cuối tháng 10 vừa qua, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng phối hợp với Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, Trung tâm Di trú Khởi nghiệp Toàn cầu của Hàn Quốc (OASIS), Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo Hàn Quốc (KORAIA) và các đơn vị tổ chức Hội thảo “Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam-Hàn Quốc 2023."

Hội thảo nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo của khu vực miền Trung cũng như cả nước.

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính gồm Giới thiệu dự án “Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Việt-Hàn tại Đà Nẵng (VKAI Hub)”; Phiên tham luận trong các lĩnh vực AI: “Xu hướng AI 2023 của Hàn Quốc” từ đại diện Công ty ONYCOM, “Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế sức khỏe” từ đại diện Bệnh viện Đại học Soonchunhyang, “AI và thành phố thông minh trong tương lai” từ đại diện Công ty LBS Tech; Phiên tọa đàm và thảo luận về: phương án đầu tư, hợp tác triển khai, thương mại hóa sản phẩm AI trong thành phố thông minh, phương án hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực Đổi mới Sáng tạo tại Đà Nẵng; Phiên kết nối kinh doanh, đầu tư: các tổ chức doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ có cơ hội networking, giới thiệu doanh nghiệp và đề xuất mong muốn hợp tác để được kết nối.

Ban Tổ chức kỳ vọng Hội thảo sẽ là dịp để các tổ chức, các doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng và các đối tác trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo tại Hàn Quốc có cơ hội gặp gỡ, kết nối, hợp tác, đẩy mạnh thương mại hóa, thu hút đầu tư vào các các dự án ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế, thành phố thông minh trên địa bàn Đà Nẵng.

[Việt Nam-Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ]

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Kỳ Minh, định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, Đổi mới Sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á." Trong đó, một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên phát triển là Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

"Tôi hy vọng Hội thảo sẽ là sự kiện tiền đề cho nhiều hơn nữa các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo tại thành phố Đà Nẵng trong tương lai. Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo đến triển khai các dự án tại thành phố," Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Kỳ Minh nói.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đơn vị đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng và triển khai dự án Trí tuệ Nhân tạo gồm Hợp tác Xây dựng Hệ sinh thái toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo giữa Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam-Hàn Quốc và Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo Hàn Quốc; Hợp tác xây dựng Hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ Toàn cầu ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo giữa Bệnh viện 199 - Bộ Công An với Trung tâm nghiên cứu Bệnh viện Cheonan Đại học Soonchunhyan.

Xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm phát triển AI của cả nước ảnh 2Ký kết hợp tác giữa Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam-Hàn Quốc và S-LAB (thành viên của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam). (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử thành phố Đà Nẵng)

Các đơn vị đã ký kết hợp tác Xây dựng hệ sinh thái Trí tuệ Nhân tạo giữa Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam-Hàn Quốc và S-LAB (Thành viên của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam); Hợp tác Xây dựng hệ sinh thái Trí tuệ Nhân tạo đối với lĩnh vực y tế và y tế công cộng (bao gồm cả bệnh lao) giữa Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam-Hàn Quốc và Trung tâm nghiên cứu Bệnh viện Đại học Soonchunhyan; Hợp tác Xây dựng hệ sinh thái Trí tuệ Nhân tạo giữa Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam-Hàn Quốc với Trung tâm nghiên cứu Bệnh viện Đại học Soonchunhyan...

Tạo điều kiện mở rộng không gian Đổi mới Sáng tạo Hàn Quốc tại Đà Nẵng

Tại buổi tiếp Đoàn Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết về khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, các doanh nghiệp của Đà Nẵng tiếp tục phát triển và có thêm sản phẩm được thương mại hóa, một số doanh nghiệp khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo có nền tảng công nghệ cao, bắt kịp xu hướng phát triển nhất là trong các lĩnh vực về công nghệ thông tin, ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo, thực phẩm, y dược như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Datbike Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Hekate, Công ty Cổ phần EM&AI.

Đà Nẵng có nhiều điều kiện phát triển khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo như hạ tầng và chất lượng nhân lực tốt với hệ thống khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung đó, trong đó nổi bật là Khu Công nghệ cao có Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất (R&D) và Nhà máy Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Fujikin Đà Nẵng, 3 khu công nghệ thông tin tập trung có lực lượng nhân sự và doanh nghiệp trình độ cao…

Đà Nẵng đang đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp vi mạch và trung tâm tài chính khu vực. Dự kiến năm 2024, lãnh đạo thành phố sẽ tới Hàn Quốc làm việc với các doanh nghiệp về công nghiệp vi mạch.

Xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm phát triển AI của cả nước ảnh 3Quang cảnh buổi tiếp. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử thành phố Đà Nẵng)

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Kỳ Minh rất ủng hộ các hoạt động của VINK phối hợp với Đà Nẵng thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện để mở rộng không gian Đổi mới Sáng tạo Hàn Quốc tại Đà Nẵng và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, AI từ Hàn Quốc tới Đà Nẵng.

Về đề xuất các nội dung hợp tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt về chíp bán dẫn, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết Đà Nẵng có nhiều cơ sở giáo dục có thế mạnh về công nghệ thông tin, đặc biệt là Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng) luôn sẵn sàng kết nối. Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ tham mưu để Ủy ban Nhân dân thành phố kết nối chuyên gia tới Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh mong muốn mời các nhà đầu tư tham quan thực tế để có định hướng đầu tư phù hợp trong lĩnh vực y tế.

Chủ tịch VINK Nguyễn Quang Phước cho biết sau buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố vào giữa tháng 2/2023 đã có nhiều kết quả hợp tác giữa hai bên. Nổi bật là tháng 8 ra mắt Không gian khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng tại Seoul; cuối tháng 9 ra mắt Không gian Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Seoul tại Đà Nẵng.

VINK đang nghiên cứu tiếp cận quy trình duyệt cấp visa nhanh của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Trung tâm Di trú Khởi nghiệp Toàn cầu Hàn Quốc (OASIS) dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Đà Nẵng.

VINK đang xúc tiến để kết nối nghiên cứu hợp tác đào tạo AI giữa các trường Đại học Hàn Quốc và Đà Nẵng; đồng thời kêu gọi đầu tư AI từ Hàn Quốc vào Đà Nẵng. VINK sẽ làm cầu nối giữa Chính phủ 2 nước, đồng hành cùng Ủy ban Nhân dân thành phố để mời các doanh nghiệp Hàn Quốc về đào tạo nhân lực sản xuất chip bán dẫn tại Đà Nẵng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục