Xây dựng Đà Nẵng là thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030

Ngày 19/4, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo giới thiệu về Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 và chương trình Đại nhạc hội “Thế giới nước.”
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 19/4, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo giới thiệu về Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 và chương trình Đại nhạc hội “Thế giới nước.”

Tại buổi họp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: Ngày 2/4/2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1099/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, đánh dấu bước đột quá quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của thành phố; phù hợp với tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 với quan điểm, bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, là nhiệm vụ được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết sách; phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Đề án đặt ra các giải pháp, bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

[Khôi phục, phát triển kinh tế Đà Nẵng: Niềm tin dự án tiềm năng]

Thành phố sẽ huy động các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì bảo vệ môi trường phải trả phí tương xứng.

Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường; phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tăng cường quản lý Nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết cùng với Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các mục tiêu, nhiệm vụ, cũng như các dự án về môi trường trong Đề án này được tích hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện năng lực giám sát, xử lý và bảo vệ môi trường như cấp, thoát nước, xử lý rác thải, giao thông, hệ thống quan trắc… Do đó, việc thực hiện Đề án lần này có mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, mang tính hệ thống, tính khả thi cao, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực và lộ trình thực hiện.

Theo ông Tô Văn Hùng với tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỷ đồng, đề án đặt ra các mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có; phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành cùng tham gia, triển khai thực hiện đồng bộ ở 4 nhóm thành phần trọng tâm: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, với 31 tiêu chí cụ thể.

Nhân dịp này, Chương trình Đại nhạc hội Thế giới nước với chủ đề “Nước-Hồi sinh” lần đầu tiên, do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Nhà hát Trưng Vương và các đơn vị liên quan tổ chức, đã được công bố. Đây là sự kiện nghệ thuật trọng tâm trong chuỗi các sự kiện truyền thông về Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường.”

Chương trình mang ý nghĩa truyền tải thông điệp giá trị của nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi trường; từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn nước trước tác động tiêu cực ngày một gia tăng của phát triển kinh tế, xã hội và biến đổi khí hậu.

Chương trình nghệ thuật “Nước-Hồi sinh” sử dụng âm nhạc và các hình thức nghệ thuật đặc sắc khác để viết lên câu chuyện viễn tưởng về thế giới nước năm 2029 sau đại hồng thủy. Nơi đó, con người sống trong môi trường chỉ có nước, họ khát khao và nuôi dưỡng hy vọng với sự trân quý về những kỷ niệm đẹp, ngập tràn yêu thương, đoàn kết để cùng nhau xây dựng cuộc sống mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục