Xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững

Diễn đàn xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững đã được Đà Nẵng, JICA và thành phố Yokohama phối hợp tổ chức.
Xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững ảnh 1Cầu Trần Thị Lý ở Đà Nẵng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Ngọc Hà/TTXVN)

Trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác ba bên về Phát triển bền vững, ngày 22/12 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn Phát triển đô thị Đà Nẵng lần thứ nhất do thành phố Đà Nẵng, thành phố Yokohama và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết thành phố Đà Nẵng tọa lạc tại vị trí trọng yếu về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, là điểm cuối của đường xuyên Á qua tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây; đồng thời là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Bên cạnh lợi thế về vị trí chiến lược, thành phố Đà Nẵng còn nhận được sự quan tâm của các cấp Trung ương thông qua việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc biệt, có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy nhịp tăng trưởng và phát triển của thành phố.

Phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng nêu trên, mục tiêu của Đà Nẵng đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng theo hướng phát triển bền vững, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo tiền đề để phát triển các ngành kinh tế xã hội, dịch vụ thương mại, du lịch và an ninh-quốc phòng.

Thông qua diễn đàn, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng được tiếp cận với những ý tưởng, kinh nghiệm từ phía thành phố Yokohama và Nhật Bản, từ đó cùng nhau thảo luận, xây dựng chương trình hành động phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của JICA và thành phố Yokohama.

Theo đoàn nghiên cứu JICA, qua khảo sát thu thập số liệu về phát triển đô thị bền vững và gắn kết ở Đà Nẵng, mục tiêu của khảo sát nhằm xây dựng kế hoạch hành động cho 3 lĩnh vực chính là phát triển đô thị gắn kết và quy mô khu vực với sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành; quản lý tài chính tự chủ; thúc đẩy PPP (lập và thực hiện phát triển hạ tầng theo mô hình PPP).

Ông Kozo Bando, Kỹ sư Giám sát Cấp cao, Tập đoàn Kajima cho rằng, để phát triển đô thị Đà Nẵng, địa phương cần phát triển theo hình thức PPP bởi điều này sẽ góp phần lấp vào khoảng trống tài chính đầu tư cho cơ sở hạ tầng; sử dụng hiệu quả công nghệ, khả năng tài chính, quản lý của lĩnh vực tư nhân.

Qua thực tế, khi xây dựng dự án Nhà máy nước Hòa Liên tại Đà Nẵng theo hình thức PPP cho thấy dự án giúp giảm chi phí chu kỳ sống và giảm rủi ro cho thành phố Đà Nẵng.

Trong dự án này, các nội dung quan trọng là chia sẻ rủi ro chi tiết giữa thành phố Đà Nẵng và nhà đầu tư tư nhân, nhà vận hành dựa trên hợp đồng nguyên tắc, các biện pháp làm giảm rủi ro, phát triển cơ cấu điều chỉnh giá nước; cam kết từ thành phố Đà Nẵng và Chính phủ; thảo luận về điều kiện vay vốn với JCA và kết hợp với kế hoạch tài chính dự án của ADB./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục