Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (8/8/1967-8/8/2017), ngày 1/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Thưa Phó Thủ tướng, Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về những thành công cũng như thách thức của ASEAN trong nửa thế kỷ qua?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Trong 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đạt được nhiều thành công trên các lĩnh vực.
Theo tôi, có ba thành công lớn nhất. Thứ nhất, ASEAN là tập hợp của các nước Đông Nam Á đa dạng về văn hóa, khác biệt về thể chế chính trị nhưng đã cùng nhau tập hợp thành một tổ chức đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, đặc biệt là quan hệ thân thiện giữa các nước với nhau, tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định, thân hữu cho người dân trong Cộng đồng ASEAN cùng sinh sống.
Thứ hai, ASEAN từ một tổ chức bao gồm các nước có nền kinh tế nghèo và lạc hậu đã trở thành một Cộng đồng kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo ra thị trường rộng lớn 630 triệu dân với tổng sản phẩm quốc nội là 3.000 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 4,7%/năm - đó là mức cao trong khu vực cũng như trên thế giới.
Đặc biệt, ASEAN tạo ra sự hấp dẫn đối với tất cả các nước có quan hệ kinh tế với Hiệp hội bởi ASEAN đã tạo dựng được liên kết về kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, tạo dựng được thị trường lên đến 3 tỷ dân với tổng sản phẩm quốc nội là 20.000 tỷ USD. Đó là một mối quan hệ kinh tế mà các tiểu khu vực khác khó có thể làm được so với ASEAN.
Thứ ba, ASEAN đã tạo được vị thế hết sức quan trọng mà hiếm có liên kết tiểu khu vực nào tạo được. Đó là sự gắn kết không chỉ trong nội bộ ASEAN thông qua các cơ chế, mà ASEAN còn có được các cơ chế để các nước lớn, các nước quan trọng trên thế giới cùng tham gia vào. Đây là những cơ chế liên quan đến chính trị, an ninh, quốc phòng, là đặc trưng riêng của ASEAN và là giá trị của ASEAN cả ở khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng trong 50 năm qua ASEAN cũng gặp nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN không đồng đều, còn có sự khác biệt trong lợi ích. Bên cạnh đó, do vai trò địa chính trị quan trọng của ASEAN nên có sự cạnh tranh của các nước lớn đối với khu vực này. Đó là chưa kể ASEAN cũng phải đối phó với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống…
- Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập là cơ hội để nhìn lại những gì ASEAN đã đạt được nhưng cũng là dịp để nghĩ đến tương lai xa hơn của ASEAN. Vậy giờ đây khi Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành, Phó Thủ tướng hình dung như thế nào về Cộng đồng ASEAN trong tương lai?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: ASEAN đã xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng 2025. Với Tầm nhìn này, mục tiêu của ASEAN là tiếp tục xây dựng Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, chia sẻ trách nhiệm xã hội, nghĩa là lấy người dân làm trung tâm trong chính sách, lấy luật lệ, luật pháp làm nền tảng trong hoạt động. ASEAN đã xây dựng Hiến chương và đây chính là nền tảng trong các hoạt động của ASEAN.
Một trong những lĩnh vực nữa mà ASEAN hết sức quan tâm trong thời gian tới là làm sao xây dựng Cộng đồng tự lực phát triển, đoàn kết và đóng vai trò trung tâm. Xây dựng được đoàn kết trong ASEAN là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự sống còn của Cộng đồng ASEAN. Bởi vì đó là "mẫu số chung" lớn nhất về lợi ích của các nước ASEAN, duy trì đoàn kết để từ đó duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN. Và đương nhiên Cộng đồng ASEAN vẫn tiếp tục là tổ chức liên chính phủ trong thời gian tới.
- Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong 22 năm gia nhập ASEAN?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Chúng ta gia nhập ASEAN vào năm 1995, cho đến nay là 22 năm, cũng gần 1/2 khoảng thời gian 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN. Kể từ khi gia nhập ASEAN, với vai trò thành viên, chúng ta đã đóng góp hết sức tích cực và có trách nhiệm, có thể tựu chung lại như sau.
Một là đóng góp vào việc mở rộng ASEAN, đưa ASEAN gồm 5 nước thành viên trở thành một cộng đồng với 10 nước thành viên như hiện nay.
[Cộng đồng ASEAN: Việt Nam ghi dấu ấn trong sự phát triển của ASEAN]
Hai là đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, chính thức hình thành vào cuối năm 2015. Cộng đồng ASEAN hình thành chính là sự đóng góp của các nước thành viên, trong đó có đóng góp của Việt Nam thông qua các sáng kiến, đề xuất như Chương trình Hành động Hà Nội 2010; chúng ta đã xây dựng các mục tiêu và quan trọng là thực thi các mục tiêu để thành lập Cộng đồng.
Cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, với 95% các mục tiêu được thực hiện.
Ba là trong vai trò điều phối các cơ chế với các nước bên ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, chúng ta đã đóng góp bằng cách kết nối, mở rộng quan hệ, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này.
Bốn là chúng ta đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010. Chúng ta cũng đề xuất sáng kiến mở rộng cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+). Đó là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong ASEAN mà giữa ASEAN với các nước, tạo vị thế của ASEAN với các nước.
Năm là, Việt Nam đã 2 lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong các năm 1998 và 2010, với những đóng góp, sáng kiến cụ thể. Ngoài ra, đối với ứng phó các thách thức của ASEAN, chúng ta cũng có những đóng góp cụ thể như trong việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.
- Trong tương lai, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN cần phải làm gì để tiếp tục duy trì vị thế của ASEAN, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Vấn đề quan trọng sắp tới của ASEAN cũng như đóng góp của chúng ta đó là làm sao xây dựng một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội thông qua việc tôn trọng Hiến chương ASEAN, tuân thủ các nguyên tắc của ASEAN. Không chỉ riêng các nước thành viên ASEAN mà các nước đối tác của ASEAN cũng phải tuân thủ các nguyên tắc này.
Ngoài ra, chúng ta phải đóng góp vào việc xây dựng đoàn kết trong ASEAN. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì vai trò, vị thế cũng như các lợi ích của ASEAN. Bên cạnh đó là việc đóng góp tăng cường vai trò, vị thế của ASEAN không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới.
Có thể thấy rằng việc Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào năm 2015 là kết quả của cả một quá trình thực hiện từng bước các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng Cộng đồng. Cho đến nay, các nước thành viên đã thực hiện được gần hết các chỉ tiêu của Cộng đồng nhưng chưa phải là hoàn tất. Do đó, văn hóa thực thi trong ASEAN là hết sức quan trọng. Chỉ khi nào tất cả các nước thành viên đều thực thi các cam kết của mình thì khi đó ASEAN mới trở thành Cộng đồng thực sự và người dân trong ASEAN mới được hưởng thụ lợi ích thực sự từ Cộng đồng.
Mặc dù Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành vào năm 2015, thế nhưng nhận thức của người dân và doanh nghiệp đối với Cộng đồng chưa cao. Chính vì vậy, các nước đều phải có trách nhiệm tăng cường sự hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại.
- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!