Xây dựng cộng đồng ASEAN - cơ hội và thách thức

Các đại biểu dự Diễn đàn nhân dân ASEAN 6 cho rằng xây dựng cộng đồng ASEAN đang đặt ra cơ hội và thách thức với các nước thành viên.
Sáng 24/9, tại Hà Nội, các đại biểu dự Diễn đàn nhân dân ASEAN 6 (APF 6) đã tham gia phiên họp toàn thể về "Xây dựng cộng đồng ASEAN - cơ hội và thách thức" và "ASEAN trong một thế giới đang thay đổi."

Trong bối cảnh ASEAN đang triển khai Hiến chương và đẩy mạnh lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Đông Nam Á được đánh giá là khu vực quan trọng về địa chính trị và địa kinh tế đang phát triển, thu hút sự quan tâm của những quốc gia lớn trên thế giới. Các đại biểu tham dự diễn đàn APF6 đều nhất trí các yếu tố này đã đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với khu vực và người dân trong ASEAN.

Hiện tại, ASEAN và các nước thành viên đang mở rộng quan hệ đối tác, phát triển các cơ chế đa phương với các cường quốc bên ngoài, thúc đẩy quan hệ kinh tế và các hiệp định thương mại với các đối tác khác nhau ở bên ngoài khu vực. Tất cả các hoạt động này được tiến hành trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động nhanh chóng và phức tạp dẫn đến nhiều thách thức về tình hình chính trị và an ninh trong khu vực, cuộc khủng hoảng về mô hình kinh tế, tình trạng biến đổi khí hậu, và các mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng trong nhiều quốc gia ASEAN.

Các đại biểu dự APF 6 cho rằng, ASEAN cần tiếp tục tăng cường các quan hệ đối ngoại và hợp tác để đối phó với những thách thức hiện tại, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, thúc đẩy việc coi con người là trung tâm, phát triển bền vững và bình đẳng trong ASEAN và xây dựng một cộng đồng hướng về người dân.

Các đại biểu dự diễn đàn cũng trao đổi về các biện pháp và kiến nghị mang tính xây dựng hướng tới các hành động có phối hợp của các tổ chức nhân dân ASEAN nhằm đối phó với những thách thức chung trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường sự tham gia của người dân vào các quá trình ra quyết định của ASEAN.

Chiều cùng ngày, các đại biểu tham gia APF 6 tham gia phiên họp toàn thể với chủ đề Giới thiệu về Việt Nam.

Trong bài phát biểu dẫn đề của mình, ông Trần Đắc Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng những thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới trong 25 năm qua cho thấy con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa có một sức sống thực sự mạnh mẽ và càng cần thiết hơn trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Trao đổi tại phiên Giới thiệu về Việt Nam, các đại biểu tham dự Diễn đàn nhân dân ASEAN 6 đã ghi nhận những thành tựu nhiều mặt mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng mong muốn được chia sẻ về những thách thức mà Việt Nam đang phải đối phó cũng như những kinh nghiệm về mô hình hướng tới phát triển bền vững.

Tham gia trao đổi tại phiên toàn thể lần này, có hai diễn giả Việt Nam là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh.

Các diễn giả đã chia sẻ một cách thẳng thắn, chân tình với các bạn quốc tế về khát vọng của nhân dân Việt Nam, vì đã đi qua chiến tranh, luôn mong muốn có được hòa bình và tình hữu nghị để phát triển và xây dựng đất nước, cũng như sự cần thiết phải hợp tác và học hỏi lẫn nhau để vươn lên trong một thế giới ngày càng biến đổi và có nhiều thách thức; chia sẻ với bạn bè ASEAN về một số những nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xây dựng một xã hội học tập, giáo dục thế hệ trẻ, bảo vệ quyền lợi người lao động, hoạt động của các tổ chức nhân dân...

Tối cùng ngày, các đại biểu và khách mời tham gia Đêm Đoàn kết với các tiết mục văn nghệ của các nghệ sỹ Việt Nam và một số đại biểu nước ngoài./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục