Xây dựng cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại Việt Nam, chăm sóc sức khỏe ban đầu đã, đang và sẽ là ưu tiên của cả hệ thống chính trị nói chung, ngành y tế nói riêng.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

“Cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” là chủ đề của cuộc họp Nhóm đối tác y tế (HPG) đầu tiên trong năm 2018 do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội.

Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đại điện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì.

Tham dự cuộc họp có đại biểu các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố và các đối tác phát triển.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại Việt Nam, chăm sóc sức khỏe ban đầu đã, đang và sẽ là ưu tiên của cả hệ thống chính trị nói chung, ngành y tế nói riêng.

Hiện nay, mạng lưới y tế trên cả nước cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng và hiệu quả.

Chính vì vậy, một cơ chế tài chính hướng đến hệ thống tài chính bền vững, công bằng và hiệu quả, để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, không phải chịu gánh nặng về tài chính là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến.

[Vì sao người dân không mặn mà với trạm y tế xã?]

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nêu rõ việc xây dựng, đổi mới cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân phải đi đôi với việc tăng cường huy động hợp lý các nguồn từ bảo hiểm xã hội, ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, ODA, vốn tư nhân...

Tại cuộc họp này, các đại biểu sẽ cùng trao đổi và đưa ra các khuyến nghị để góp phần xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả, công bằng, minh bạch cho y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đây là một cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính y tế của Việt Nam.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Phan Lê Thu Hằng, công tác tăng cường y tế cơ sở hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản và thách thức.

Trong đó có già hóa dân số; sự gia tăng nhanh chóng của gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm; khoảng cách bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe chưa được thu hẹp.

Đặc biệt, người dân còn thiếu hiểu biết về hoạt động phòng bệnh, tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế hợp lý; cơ chế thông tuyến đã làm số lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế xã giảm rõ rệt; năng lực phòng bệnh, quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng còn yếu...

Trước thực trạng này, ngành y tế cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc...; nâng cao vị thế của y tế cơ sở trong hệ thống y tế quốc gia; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch...

Về vấn đề tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ toàn dân tại Việt Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Việt Nam cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu qua mạng lưới cơ sở đã đạt được nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp nhiều thách thức, trong đó việc tăng bao phủ bảo hiểm y tế nhưng không có hệ thống "gác cổng"; chăm sóc sức khỏe ban đầu mới được phân bổ dưới 4% quỹ Bảo hiểm y tế; thiếu nền tảng y tế điện tử để kết nối với hệ thống tài chính và chi trả bảo hiểm y tế cho khám chữa bệnh cá nhân...

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị Việt Nam cần tăng phân bổ quỹ Bảo hiểm y tế cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đạt 30% tổng quỹ Bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua gói dịch vụ, mô hình chăm sóc và nhân lực.

Đặc biệt, Việt Nam cần cân nhắc sự tăng trưởng của y tế tư nhân và tận dụng hệ thống này trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng...

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính như: Thực trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam; kinh nghiệm và bằng chứng về cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; các bước tiếp theo về cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục