Xây dựng cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất cho hộ tiêu dùng

Việc phát triển thị trường điện phù hợp tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia.
Xây dựng cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất cho hộ tiêu dùng ảnh 1Toàn cảnh tọa đàm về phát triển năng lượng sạch do Báo Nhân dân tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện trực tiếp cho các đơn vị tiêu thụ điện. Thông qua cơ chế bán trực tiếp, nhà sản xuất điện và đơn vị tiêu thụ sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng song phương và thực hiện theo cơ chế thị trường.

Với cơ chế này, sẽ tạo động lực để khuyến khích: Thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào trong phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện năng lượng tái tạo. Tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

[Tháo gỡ những "nút thắt" để phát triển các nguồn năng lượng sạch]

Đây là thông tin do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi tọa đàm: Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch”, do Báo Nhân dân tổ chức chiều 10/7, tại Hà Nội.

Giá điện sẽ chuyển dần sang cơ chế thị trường

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, thị trường điện của Việt Nam phát triển qua ba cấp độ, trong đó cấp độ thứ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh, cấp độ thứ 2 là thị trường bán buôn và cấp độ thứ 3 là thị trường bán lẻ.

Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đang trải qua cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh và đang triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, quá trình triển khai các công việc trên đã đạt được nhiều kết quả.

Ông Tuấn Anh cho biết, trong thị trường phát điện cạnh tranh, đã được hoàn thành về cơ bản và đến nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện, mà thay vào đó, Tập đoàn đã được thay thế bằng năm Tổng Công ty điện lực bao gồm: Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực miền Nam.

“Như vậy, việc tham gia thị trường không còn là đơn vị mua điện duy nhất nữa mà đã hình thành các đơn vị trong thị trường điện,” ông Tuấn Anh nói đồng thời cho biết Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ nay tới sau năm 2023.

Ông cũng lưu ý đối với phát triển thị trường điện bán lẻ điện cạnh tranh, sau 2023 sẽ chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế xác định thông qua giá thị trường.

"Việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam phù hợp tinh thần với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành điện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, xóa bỏ độc quyền trong các khâu của ngành điện," ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngoài lưới điện truyền thống, hiện ngành điện đang tích hợp thêm để có hệ thống thông minh, mục tiêu là nâng cao hiệu quả vận hành một cách tốt nhất.

Mục tiêu phấn đấu sau năm 2020 cả nước có 100% các trạm biến áp 110 và đến 2025 có 100% các trạm biến áp 220 được điều khiển từ xa, không có người vận hành, qua đó phấn đấu kéo giảm mức tổn thất điện năng xuống.

Xây dựng cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất cho hộ tiêu dùng ảnh 2Đại diện Tập đoàn Trung Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tránh tình trạng giảm phát điện vì thiếu hạ tầng truyền tải

Là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này được phép đầu tư hạ tầng truyền tải lưới điện quốc gia, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng đây là một điểm mới và khai thông một phần nhỏ trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Tuy vậy, ông Tiến kiến nghị Nhà nước cần đưa ra một cơ chế hoạt động rõ ràng, bởi lẽ tư nhân có thể đầu tư nhưng chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành. Vậy nên cần có các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng khi để các tổ chức khác tham gia đấu thầu và xây dựng các nhà máy.

Chia sẻ nội dung này, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng từ trước đến nay, việc đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải (lưới điện có cấp điện áp từ 220kV trở lên) hầu hết là do Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia thực hiện.

Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống truyền tải cũng theo quy hoạch được duyệt, bao gồm quy hoạch quốc gia và các quy hoạch địa phương. Trong các quy hoạch đề cập rất rõ về tiến độ đầu tư xây dựng nguồn điện và đầu xây dựng lưới điện.

Liên quan đến việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở một số địa phương thời gian qua rất mạnh song tại một số khu vực lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối ở một số khu vực lại không theo kịp, theo ông Tuấn Anh bên cạnh các thủ tục chặt chẽ trong nội bộ các tập đoàn nhà nước còn phải có quá trình thẩm định và phê duyệt của các cơ quan quản lý.

“Điều đó dẫn đến hiện tượng ở một số các điểm như Ninh Thuận vẫn còn hiện tượng giảm phát dù là số lượng dự án phải giảm phát so với cả tổng quy mô công suất đang vận hành của các nguồn năng lượng tái tạo thì không lớn,” lãnh đạo Cục điện lực và năng lượng tái tạo thông tin thêm.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, hiện nay tổng giá trị phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu là khoảng 18-20%. Do đó, nếu không có chính sách thì trong tương lai việc phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng. Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã yêu cầu thúc đẩy tiến độ dự án năng lượng, bảo đảm tiến độ theo quy hoạch đồng thời nghiên cứu xem xét phương án bổ sung quy hoạch cũng như có cơ chế, chính sách để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, nhiên liệu hóa thạch, để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Song song với đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện một loạt giải pháp về phía nhu cầu, có nghĩa là áp dụng giải pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và thực hiện các chính sách, đề xuất cơ chế để thúc đẩy cơ sở hạ tầng ngành năng lượng đồng bộ, hiện đại, vận hành ổn định, tin cậy…  

Còn theo ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế- kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), đối với việc thực hiện Nghị quyết 55, ngoài việc rà soát cơ chế, chính sách, Bộ đã xây dựng chương trình nghiên cứu riêng cho năng lượng và luôn là lĩnh vực được Bộ xây dựng làm các chương trình trọng điểm cho đất nước và đang tổ chức thực hiện.

Ông cũng khẳng định tới đây Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực của các viện nghiên cứu để có đủ năng lực hấp thu công nghệ, chuyển tải năng lực công nghệ, thực hiện các hoạt động công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp./.

Theo Nghị quyết 55, Việt Nam cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững. Xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng; có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện.

Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng… Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng theo hướng tăng cường nội lực, hướng đến xuất khẩu...

Hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất của Nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện những công trình, dự án phức tạp, kỹ thuật cao trong ngành năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục