Chỉ còn hơn tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dự báo nhu cầu nông sản, thực phẩm của Hà Nội sẽ tăng khoảng 20-30%.
Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ người dân, Hà Nội không chỉ chủ động sản xuất, mà còn kết nối với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, không để xảy ra tình trạng thiếu thừa cục bộ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,932 tỷ USD, trong đó, hàng nông sản thực phẩm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đa số đặt nhà máy tại Hà Nội, thu mua nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu. Đến nay, Hà Nội đang duy trì và phát triển 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung.
Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước, với hơn 10 triệu dân. Đây cũng là một thị trường rộng lớn để các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.
Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng chính vụ; tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, kết nối nguồn cung nông sản an toàn, chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và du khách.
Đến nay, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - quảng bá nông sản, đặc sản vùng miền; hỗ trợ lưu thông hàng hóa...
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, quận, huyện, thị xã cập nhật quy định, yêu cầu kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm cho các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn kết hợp quản lý chặt chẽ vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn của Hà Giang và các tỉnh tại thị trường Hà Nội, Hội Nông dân thành phố Hà Nội và Hội Nông dân tỉnh Hà Giang xác định, cùng nhau tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đạt chứng nhận VietGAP.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì và thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, quảng bá trực tuyến và thương mại điện tử.
Trao đổi thông tin về cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phối hợp quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh, như cam vàng, chè, mật ong của Hà Giang.
Hà Nội phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức các hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, tiêu biểu, có thế mạnh của các địa phương, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu, hội chợ còn là điểm hẹn để người dân thưởng thức tinh hoa văn hóa ẩm thực cả nước.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA), Hội chợ Đặc sản vùng miền 2024 với quy mô 250 gian hàng, thu hút hơn 200 đơn vị đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng miền.
"Sản phẩm trưng bày tại hội chợ đều bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… có khoảng 50% số lượng sản phẩm các tỉnh đăng ký trực tiếp là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên,” ông Bùi Duy Quang Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội thông tin.
Người dân Thủ đô khi mua sắm tại các hội chợ Đặc sản vùng miền cũng rất hào hứng, vì hàng hóa phong phú, giá cả hợp lý lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Chị Nguyễn Thu Hương, ở phố Thợ Nhuôm, quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho biết, mua sắm tại đây có đủ loại sản phẩm đặc sản của các địa phương nên rất tiện lợi. Có những món chị chưa từng thử, nay được trải nghiệm mà không cần rời Hà Nội. Mua tại đây chị rất yên tâm về chất lượng sản phẩm mà giá cả phải chăng.
Bà Vũ Kim Oanh, ở phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân (Hà Nội) lại rất hào hứng chia sẻ, đây là lần đầu tiên bà biết đến cam Khe Mây (Hà Tĩnh). Cam vỏ mỏng, mã đẹp, ăn ngọt thơm, giá cả hợp lý. Bà Mai rất yên tâm về chất lượng sản phẩm.
Hội chợ đem đến sự đa dạng, phong phú với các đặc sản nổi tiếng như gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, cam Hàm Yên từ vùng Tây Bắc; cá kho làng Vũ Đại, rươi Tứ Kỳ từ Đồng bằng sông Hồng; yến sào Khánh Hòa, tỏi Lý Sơn, trầm hương Hương Khê của miền Trung; và những sản phẩm đậm chất Nam Bộ như cua Cà Mau, bánh pía Sóc Trăng, mật hoa dừa.
“Với sự nỗ lực của thành phố Hà Nội, sự phối hợp của các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam tiếp tục được khẳng định là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất-nhà phân phối-người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam.” ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội kỳ vọng./.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục, về đích sớm sau 11 tháng
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11/2023. Đáng chú ý, không chỉ “cán đích” sớm, ngành nông nghiệp còn vượt kế hoạch năm trên 1 tỷ USD.