Xây dựng chính sách toàn diện cho nhà giáo: Bài học kinh nghiệm quốc tế

Hơn 150 nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo cùng hơn 10 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ của Việt Nam đã cùng đóng góp ý kiến về xây dựng Luật Nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý chính sách cho nhà giáo, tăng lương và có giải pháp nâng cao vị thế nhà giáo đồng thời giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là các kinh nghiệm được các chuyên gia quốc tế chia sẻ tại Hội thảo tham vấn Khung chính sách và pháp lý cho nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hoá: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam.

Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều nay, 26/11.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và đóng góp ý kiến của hơn 150 nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, đại diện công đoàn ngành giáo dục cùng hơn 10 tổ chức quốc tế, tổ chức của UNESCO và tổ chức phi chính phủ của Việt Nam.

Giáo viên phải được đặt ở vị trí trung tâm

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay hội thảo là một trong các nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tham vấn các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ soạn thảo. Luật Nhà giáo đã được Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV (diễn ra trong tháng 10-11/2024), dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2025). Luật Nhà giáo nếu được Quốc hội Việt Nam thông qua kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để nhà giáo phát huy tối đa tiềm năng của mình và đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới giáo dục quốc gia.

Bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam khẳng định vai trò then chốt của nhà giáo trong đảm bảo chất lượng giáo dục và việc xây dựng Luật Nhà giáo cho thấy cam kết của Chính phủ trong việc đặt nhà giáo vào vị trí trọng tâm.

TTH_9859.jpg
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu quốc tế và trong nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Chúng ta hãy cùng tái khẳng định cam kết trao quyền năng cho đội ngũ nhà giáo, những người là nền tảng của hệ thống giáo dục của chúng ta. UNESCO cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này," bà Miki Nozawa nói.

Tham luận tại hội thảo, các diễn giả đã cho thấy bức tranh toàn cảnh toàn cầu về nhà giáo, khẳng định việc cần có hệ thống pháp lý toàn diện với các chính sách ưu tiên cho giáo viên đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách cho nhà giáo cũng như các giải pháp để nâng cao vị thế nhà giáo.

Báo cáo của UNESCO do Ủy ban Quốc tế về Tương lai của Giáo dục công bố năm 2021 có tựa đề Cùng hı̀nh dung lại tương lai của chúng ta – Khế ước xã hội mới cho giáo dục khẳng định: “Trong một khế ước xã hội mới về giáo dục, người giáo viên phải được đặt ở trung tâm, và nghề nghiệp của họ phải được đánh giá lại và hình dung lại như một nỗ lực hợp tác, làm bừng lên những tri thức mới, mang lại sự chuyển đổi về giáo dục và xã hội.”

Báo cáo cũng cho thấy tình trạng thiếu giáo viên trên toàn cầu, lương của giáo viên là vấn đề thách thức tại nhiều nơi và khẳng định cần xây dựng chính sách nhà giáo toàn diện gắn với các ưu tiên quốc gia.

Tiếp thu trên cơ sở phù hợp thực tiễn Việt Nam

Tại hội thảo, bà Valerie Djioze, Ban Phát triển Nhà giáo của UNESCO đã giới thiệu về Hướng dẫn Xây dựng Chính sách Nhà giáo. Đây là một công cụ hữu ích và thiết thực để định hướng cho việc xây dựng và/hoặc xem xét các chính sách quốc gia về nhà giáo thông qua việc giải quyết các thành tố khác nhau trong chính sách nhà giáo và cách các thành tố này tác động lẫn nhau, góp phần xây dựng chính sách quốc gia về nhà giáo dựa trên minh chứng như một thành phần tích hợp trong các kế hoạch hoặc chính sách của cả ngành giáo dục phù hợp với các kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia nói chung.

NTH_8863.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những vấn đề thực tế hơn mà nhà giáo trên thế giới nói chung và ở một số quốc gia nói riêng đang phải đối mặt cũng được nêu ra và thảo luận trong Báo cáo toàn cầu về Nhà giáo do UNESCO và Lực lượng Đặc nhiệm Quốc tế về Nhà giáo vì Giáo dục 2030 khởi xướng.

Một bài học cụ thể về Luật Nhà giáo của Trung Quốc cũng được Giáo sư Li Tingzhou, Đại học Sư phạm Thượng Hải chia sẻ với các nội dung chính như nâng vị thế nhà giáo, đưa nhà giáo từ vai trò chuyên gia sang công thức, tăng lương cho giáo viên, trao quyền tuyển dụng cho các nhà trường.

Từ các nghiên cứu và triển khai thực tiễn, các đại biểu đã chia sẻ bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như thúc đẩy chuyên nghiệp hoá và nâng cao chất lượng nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo viên như chế độ ưu đãi, thu nhập, khả năng phát triển…

Trao đổi về chương trình Hội thảo, bà Miki Nozawa cho rằng hội thảo là minh chứng sống động cho cam kết chung của UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thúc đẩy vai trò và vị thế của Nhà giáo thông qua khung chính sách và pháp lý tại Việt Nam, một đất nước đang thay đổi nhanh chóng.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay Luật Nhà Giáo đã và đang được soạn thảo kỹ lưỡng thông qua nghiên cứu và tham vấn rộng rãi để đảm bảo tạo động lực và củng cố tất cả nhà giáo trở thành những lực lượng có trình độ, tận tụy, có trách nhiệm và thành thạo trong nghề này, cho dù họ ở đâu.

“Chúng tôi đánh giá cao những cuộc đối thoại như vậy với những người tham gia trong nước và quốc tế thông qua hội thảo hôm nay,” ông Vũ Minh Đức nói.

Khẳng định Luật Nhà giáo không phải là sự hệ thống lại các văn bản pháp luật mà phải có bước đột phá, làm sao để khi luật đi vào cuộc sống, nhà giáo phải thấy phấn khởi, yên tâm cống hiến, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết sẽ tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở phù hợp với thực tiễn, điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam để đảm bảo tính khả thi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục