Tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến việc xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính; an ninh, an toàn thông tin mạng; phát triển thị trường dịch vụ công nghệ thông tin.
Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính
Nội dung về xây dựng Chính phủ điện tử nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) không phủ nhận việc triển khai Chính phủ điện tử mang lại lợi ích cho người dân, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng tiềm năng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh tại các bộ, ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực còn nhiều hạn chế, cụ thể như người đứng đầu cơ quan Nhà nước chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng cũng như vận hành Chính phủ điện tử, chưa gương mẫu, chưa trực tiếp tham gia vào quá trình điều hành trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử chậm triển khai và thiếu tính đồng bộ.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; có chế tài buộc người đứng đầu cơ quan sử dụng hệ thống thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, rút ngắn thời gian công việc liên quan đến hành chính.
Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư tài chính về ứng dụng công nghệ thông tin.
Đánh giá Bộ trưởng nắm khá chắc vấn đề và cầu thị, tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) không đồng tình với nhận định “việc chi cho xây dựng Chính phủ điện tử chưa đáp ứng yêu cầu.”
Đại biểu dẫn chứng, mặc dù ngân sách Nhà nước có giới hạn, nhưng chi đầu tư cho công nghệ thông tin, viễn thông, kết cấu hạ tầng năm 2014 là 6.894 tỷ đồng, năm 2015 là 6.839 tỷ đồng, năm 2016 là 6.613 tỷ đồng chiếm 0,6% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Tỷ lệ máy tính được trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương là 87,94%; ở cấp tỉnh là 95,26%.
Về kết nối Internet ở Trung ương là 94,49%, cấp tỉnh là 97%. Trong báo cáo thẩm tra về phòng chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp có đánh giá, việc đầu tư cho công nghệ thông tin, viễn thông, kết cấu hạ tầng phục vụ quản lý hành chính chi phí lớn nhưng bộ máy và biên chế không giảm, hoặc giảm không tương xứng với số tiền đã đầu tư.
Đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị Bộ trưởng đánh giá về hiệu quả đầu tư đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng đánh giá số tiền đầu tư đã tương xứng với kết quả đầu tư hay chưa.
Đồng quan điểm, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, Bộ trưởng chưa đề cập thỏa đáng những nguyên nhân dẫn đến hạn chế xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu.
“Có thực sự nguyên nhân cơ bản là do hạn chế về kinh phí đầu tư?” đại biểu Ngô Trung Thành băn khoăn.
Theo đại biểu, nhiều cơ quan, bộ, ngành đã và đang xây dựng rất nhiều cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu dân cư, cư trú, hộ tịch, người nộp thuế, trợ giúp pháp lý… Chính phủ quy định rõ yêu cầu các cơ sở dữ liệu phải sử dụng dữ liệu hiện có, kết nối lưu thông.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở dữ liệu của các ngành đều xây dựng từ đầu, không kết nối, không khai thác, sử dụng chung được với nhau. Điều này dẫn đến lãng phí tiền của, nhân lực mà hiệu quả không cao. Bộ trưởng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này và tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất ? Đại biểu Ngô Trung Thành đưa ra hàng loạt câu hỏi.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, kinh phí chi cho ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tại Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng phê duyệt kinh phí thực hiện cho giai đoạn này là 1.700 tỷ đồng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí cho chương trình.
Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên kinh phí bố trí cho các dự án theo Quyết định rất hạn chế. Cụ thể, năm 2011 là 120 tỷ đồng, năm 2012 là 100 tỷ đồng, năm 2013 là 70 tỷ đồng, năm 2014 là 100 tỷ đồng, năm 2015 cũng khoảng 100 tỷ đồng.
Do mức vốn thực tế được bố trí thấp hơn nhiều so với yêu cầu, đạt 29% so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên các dự án quy mô quốc gia triển khai chậm hoặc chưa được triển khai.
Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 trong đó chương trình mục tiêu về công nghệ thông tin có tổng vốn thực hiện là 7.920 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương là 2.960 tỷ đồng.
Đến nay, theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến kinh phí bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho chương trình chỉ khoảng 884 tỷ đồng (khoảng 35%).
Với mức vốn bố trí kinh phí bị giảm mạnh, đến năm 2020 khó có thể hoàn thành mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử như Thủ tướng đã chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, số liệu đại biểu Lê Thị Nga nêu là kinh phí cho kết cấu hạ tầng khác, trong đó chi phí cho viễn thông rất lớn. Bộ trưởng nhất trí với các đại biểu về việc cần có đánh giá hiệu quả đầu tư công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế.
[Nâng vị trí Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của LHQ]
73% cơ quan chưa triển khai các biện pháp an toàn thông tin
Liên quan đến vấn đề thúc đẩy thị trường công nghệ viễn thông, phát triển sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, không để rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, chia sẻ với mối quan ngại của đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), Bộ trưởng cho biết, đây là lĩnh vực mới, đặc thù, Internet lại là mạng toàn cầu, không biên giới nên doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong thế giới phẳng…
Cuộc chiến này rất khó khăn, đầy thách thức. Bộ Thông tin và Truyền thông thấy rõ trách nhiệm của mình phải quyết liệt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước nhưng một mình Bộ không giải quyết được, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm để chiếm lĩnh thị trường; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư cho công nghệ thông tin…
Bộ cũng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin là hàng rào kỹ thuật để doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước có lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Đề cập tới vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết hiện tượng tấn công mạng ngày càng phổ biến; dẫn tới lộ, lọt thông tin và thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức. Đây cũng là vấn đề với nhiều quốc gia khác.
Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Tại Hội nghị APEC, phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí; 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công.
"Không có hệ thống thông tin nào là an toàn tuyệt đối trong thời gian dài, ngay cả hệ thống quan trọng của các quốc gia phát triển, nên công tác đảm bảo an toàn thông tin là công tác mang tính chất thường xuyên và liên tục," người đứng đầu ngành Thông tin - Truyền thông cho hay.
Theo Bộ trưởng, hiện có 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện việc kiểm tra, đánh giá quản lý rủi ro về an toàn thông tin nên không phát hiện được nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống; 51% chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; 73% chưa triển khai các biện pháp an toàn thông tin theo quy định... Nguyên nhân là do nhận thức về bảo đảm an toàn thông tin mạng chưa đầy đủ.
Xây dựng Chính phủ điện tử phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức
Giải trình thêm về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải nhìn thẳng vào thực tế là dù đã rất tích cực, cố gắng nhưng Việt Nam vẫn chỉ đứng xung quanh vị trí 80, có năm tụt xuống vị trí thứ 113 trên thế giới.
Năm 2016, Việt Nam đứng ở thứ 89. Cả 3 nhóm tiêu chí để đánh giá gồm hạ tầng, nguồn nhân lực và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam đều còn hạn chế.
Phó Thủ tướng thông tin, tính đến tháng 7/2017, cả nước có 109.644 dịch vụ công, trong đó khoảng 95% nằm ở cấp tỉnh trở xuống. Mới có 1% số dịch vụ công được cung cấp ở mức 4 và 5% ở cấp độ 3. Bộ Tài chính có 943 dịch vụ có tới 26% dịch vụ được thực hiện ở cấp 4 nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ có 2% và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ có 0,4% dịch vụ thực hiện ở cấp độ 4.
Cần xác định phải ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử. Việc này không chỉ có ý nghĩa giảm biên chế, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là góp phần công khai, minh bạch, chống tiêu cực, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng hàng đầu là nhận thức, phải vượt qua tâm lý ngại dùng công nghệ hiện đại và thẳng thắn chỉ rõ “còn một bộ phận ngại công khai, minh bạch, lo ngại nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành coi như tự nhiên mình bị giám sát.”
Bên cạnh đó là hội chứng “cục bộ,” dữ liệu có nhiều nhưng nằm mỗi nơi một tí, không ai chịu liên thông, chia sẻ với nhau; hoặc tâm lý muốn tự mình làm hết, muốn mua máy tính, mua phần mềm để tự làm, nhưng làm không ra dịch vụ thì đó là lãng phí.
“Từ hai năm nay Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo, đầu tiên là khuyến khích và tới là bắt buộc phải thuê dịch vụ,” Phó Thủ tướng cho hay.
Đề cập đến vấn đề an toàn an ninh thông tin, Phó Thủ tướng khẳng định không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu không đảm bảo an toàn thông tin thì nguy hại vô cùng.
An toàn thông tin của Việt Nam đứng thứ 100, tức là trung bình yếu, trong đó, những chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì Việt Nam thuộc loại yếu nhất trên thế giới.
Hiện nay, trên thế giới, cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc được phát tán ra. Cứ 100 thư rác trên thế giới thì Việt Nam chiếm 11,17%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề
Kết luận phiên chất vấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên chất vấn đã có 55 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, có 9 đại biểu tham gia tranh luận. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề có liên quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, các đại biểu đã đặt câu hỏi rất thẳng thắn, đúng vấn đề.
Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng và trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu. Phần trả lời của Bộ trưởng và đặc biệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cơ bản nhận được sự hài lòng của đại biểu Quốc hội.
Các nội dung thuộc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng đều là những vấn đề quan trọng và rất rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước, môi trường xã hội và đời sống của nhân dân, do đó nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Qua nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, mặc dù còn một số tồn tại hạn chế nhưng phải nhìn nhận rằng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan đã tích cực có các giải pháp, đề án, chương trình triển khai cụ thể, chủ động trong xử lý các hành vi sai phạm bước đầu có kết quả.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa mới có thể chuyển biến một cách tích cực.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực được chất vấn.
Trong đó, tích cực triển khai chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng để phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, bảo đảm liên thông đồng bộ, an toàn, an ninh mạng.
Các cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính và tinh giản biên chế; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phù hợp với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; phấn đấu đạt mục tiêu môi trường kinh doanh theo mức trung bình của các nước ASEAN-4.
Các bộ, ngành bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử trên cả 3 nhóm chỉ tiêu về hạ tầng viễn thông, về nguồn nhân lực, dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu theo mục tiêu đã cam kết đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ được cung cấp ở mức độ 3 và dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
Ngoài ra, triển khai quy định của Luật Báo chí năm 2016, khẩn trương sắp xếp hệ thống báo chí gắn với mô hình tổ chức; sớm ban hành và triển khai đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; tăng cường các biện pháp để phát huy vai trò nòng cốt của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái…/.